Loài hổ đã xuất hiện từ lâu và gắn bó với lịch sử của loài người. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau thế giới, hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm.
Đối với các nước châu Á, hổ là biểu tượng của sức mạnh, thực lực, uy quyền và tâm linh. Hổ là giống loài dũng mãnh nhất trong muôn thú, là chúa sơn lâm, là linh vật trong 12 con giáp, tượng trưng cho sức mạnh và sự uy linh, trấn giữ cửa ải ngũ phương, chống lại tà ma.
Với những ý nghĩa biểu tượng như vậy, hình tượng con hổ đã đi sâu vào văn hóa, lịch sử, nghệ thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á khác.
Trung Quốc
Không chỉ được đánh giá cao về vẻ đẹp và sự uy nghiêm, con hổ mang một biểu tượng lớn trong văn hóa Trung Quốc. Ở Trung Quốc, hổ được coi là vua của muôn loài, chúa sơn lâm. Màu lông trên trán con vật này rất giống với từ Vương theo tiếng Trung Quốc do đó người dân nước này tin rằng con hổ sinh ra vốn đã là vua.
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, hổ đứng thứ ba trong 12 con giáp, mang tên Dần trong lịch Can chi, là con vật đứng hàng thứ ba sau Chuột (Tý) và Trâu (Sửu). Khi chiết tự, “Dần” trong chữ tượng hình Trung Hoa có hình dáng của một con mãnh hổ trong tư thế như đang xông tới với đôi mắt trừng trừng đầy uy phong. Biểu tượng chi Dần mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc.Tháng Dần là tháng Giêng, đầu xuân, đầu năm mới, tháng mà 3 khí dương (của trời) cân bằng với 3 khí âm (của đất), do đó cũng là tháng mở đầu của con người (nhân sinh ư dần), là sự hòa hợp giữa trời - đất và con người, là sự cân bằng âm - dương, nóng - lạnh.
Hổ được coi là hiện thân của năng lượng "dương", trong triết học Âm-Dương, và gắn liền với mặt trời. Chúng tượng trưng cho quyền lực, năng lượng, sự bảo vệ, sự hào phóng, không thể đoán trước.
Bên cạnh đó, trong văn hóa Trung Hoa, hổ là loài vật có thực được tôn lên ngang hàng với rồng (long) một con vật trong tưởng tượng biểu tượng cho sức mạnh của trời đất, người Trung Hoa có câu mô tả sự sóng đôi giữa hai loài này. Ở Trung Quốc rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền, phượng hoàng biểu tượng cho hoàng hậu thì hổ biểu tượng cho các vị tướng và đại diện cho quân đội. Người Trung Quốc coi hổ là biểu tượng của sự can đảm,
Theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, hổ cũng là biểu tượng của sự may mắn, hưng thịnh, trừ diệt thiên tai, điều ác Hổ cùng với những con vật mang lại may mắn khác như Long (rồng) và Kỳ Lân có yếu tố bảo vệ cho người Trung Quốc. Trong khi hầu hết những con vật may mắn trong văn hóa Trung Quốc đều là giả tưởng thì con hổ là con vật có thật trong cuộc sống.
Người Trung Quốc tôn sùng linh vật này và coi đây là biểu tượng chống lại 3 đại họa của một gia đình như hỏa hoạn, trộm cắp và tà ma. Theo truyền thống, người ta tin rằng trẻ em đội mũ, đi giày có hình đầu hổ vào năm mới sẽ được bảo vệ khỏi ma tà.
Hổ xuất hiện phần lớn trong văn học cổ điển Trung Quốc và nghệ thuật trình diễn. Chúng cũng là nhân vật chính của nhiều câu chuyện dân gian và tục ngữ.
Hàn Quốc
Hình tượng hổ có ảnh hưởng rất sâu đậm trong văn hóa Hàn Quốc. Nó mang hơi hướng thần thoại vẫn tồn tại trong cuộc sống con người Hàn Quốc cho đến ngày nay với tư cách là Thần giám hộ của đất nước này.
Tuy là loài dũng mãnh, hung tợn trong thế giới động vật hoang dã nhưng trong quan niệm dân gian Hàn Quốc, hổ vẫn là loài vật thân thiết với con người, tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh. Hình tượng hổ được đưa vào đời sống hàng ngày và tôn là linh vật bảo vệ cho loài người.
Do ý nghĩa biểu tượng của nó như một con vật gắn liền sâu sắc với văn hóa Hàn Quốc, hổ đã trở thành linh vật phổ biến nhất cho các sự kiện quan trọng của quốc gia: linh vật hổ được giới thiệu tại cả Thế vận hội mùa hè Seoul 1988 và Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Hàn Quốc có rất nhiều câu chuyện dân gian về hổ. Con vật được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong một số câu chuyện, hổ được miêu tả là những sinh vật đáng sợ, trong khi trong các câu chuyện dân gian khác, chúng được miêu tả là loài vật vui nhộn và thân thiện. Hổ là cũng được sử dụng trong một số câu chuyện với giọng điệu châm biếm.
Người Hàn Quốc coi hổ là một sinh vật linh thiêng xua đuổi tà ma, và họ tin rằng chúng mang lại may mắn. Đó là lý do tại sao chúng thường xuyên xuất hiện trên các bức tranh ngày đầu năm mới được gọi là sehwa, và trên những lá bùa gọi là dano.
Năm nay là năm Nhâm Dần, theo chu kỳ 12 cung hoàng đạo của Trung Quốc. Mỗi con giáp trong 12 cung hoàng đạo đều có ý nghĩa riêng nhưng đối với Hàn Quốc, năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt.
Theo các chuyên gia, Nhâm Dần là hổ đen, được biết đến là loài vật giàu nghị lực, hoạt bát, dũng cảm và thích mạo hiểm. Vì những đặc điểm này, các chuyên gia dự đoán rằng năm 2022 sẽ là một năm tràn đầy năng lượng tích cực và sự mạo hiểm.
Việt Nam
Hổ có sự gắn bó chặt chẽ với người dân Việt trong đời sống thường nhật và tôn giáo từ ngày xưa. Từ trên mặt trống Đồng đến các miếu đền cho thấy sự gắn bó từ nghìn đời này của loài hổ với người dân Việt Nam.
Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến văn học, mỹ thuật…
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ được gắn với tục thờ Mẫu. Thần hổ uy linh và đầy huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ… Các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình hổ, thể hiện sự linh thiêng, bất khả xâm phạm.
Người Việt ở một số vùng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, thần rừng, thần núi, thì người dân còn lập miếu thờ hổ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ này bắt nguồn từ một cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người. Do đó, con người thờ hổ. Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ mú sống ở Tây Bắc và miền Tây Nghệ An.
Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy...
Hổ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Ở nước ta tác phẩm hội họa dân gian tiêu biểu nhất vẽ về hổ mang tính cộng đồng thuộc về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh Hàng Trống khắc họa hình tượng Ngũ hổ được kết hợp độc đáo trong bản điện thời tín ngưỡng Tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện.
Hình tượng hổ không những phổ biến trong tranh dân gian mà còn được thể hiện trong các điều khắc cổ bằng đá và gỗ, tiêu biểu hơn cả là tượng hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình). Hình ảnh hổ cũng được thể hiện trên một số cổ vật bằng đồng và gốm sứ....
Trong nghệ thuật múa, người ta cố gắng thể hiện lại những động tác diễn tả lại hành động của hổ. Điệu múa long hổ hội là đỉnh cao nghệ thuật múa của nghệ thuật Cung Đình Huế.
Ngoài ra, hình ảnh hổ đi vào đời sống dân gian, lưu dấu ấn qua phương thức truyền miệng. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Tục ngữ "Hổ dữ không nỡ ăn thịt con" nói về tình cha mẹ dành cho con cái. Mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia đình, đất nước thì có câu: Hổ phụ sinh hổ tử…
Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại. Truyện "Trí khôn của ta đây" nhắc về câu chuyện trí tuệ chiến thắng sức mạnh.
Cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống và tôn giáo, con hổ đã trở thành một linh thú mang rất nhiều nét tính cách của xã hội Việt Nam. Con hổ là một hình tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam từ xưa cho đến nay, đối với văn hóa Việt Nam, hổ là biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song,
Ấn Độ
Ấn Độ với đặc điểm là khu vực phân bố nhiều loài hổ nhất trên thế giới cho nên từ lâu trong văn hóa, hổ đã hiện diện rõ rệt ở đây. Hổ tượng trưng cho sức mạnh, có thể trấn áp được ma tà quỷ quái, vì vậy, để biểu tượng cho quyền lực, các vị lãnh chúa thường trang trí một tấm da hổ trong phòng hoặc ngồi trên một tấm da hổ khi tiếp khách.
Trẻ em con nhà giàu có thường hay đeo một chiếc răng hổ như một loại bùa phép để lấy khước tránh ma tà và tăng thêm sức mạnh. Đàn ông đeo thêm răng hổ trên cổ như sự biểu tượng của nam tính, sức khỏe và lòng dũng cảm.
Trong tranh tượng đạo Hindu, da hổ là một chiến quả của thần Siva và hổ là vật cưỡi của thần Shakiti. Hổ còn là vật cưỡi của nữ thần Durga trong cuộc chiến chống lại ác quỷ Parvati ở miền Nam Ấn Độ thì hổ là bạn của vị thần
Trong Phật giáo Ấn Độ, hổ cùng với khỉ và hươu cũng là một trong ba linh vật thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng do đó hình ảnh thường thấy là hình tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi trên lưng hổ và đó là sự tượng trưng cho sự diệt trừ được tham, sân, si và ác nghiệp, tu thành quả Phật.
Ngày nay, hình ảnh con hổ được sử dụng làm linh vật, biểu tượng, biểu trưng, phù hiệu, huy hiệu, cờ hiệu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó thường là biểu tượng của nhà nước và các lực lượng quân sự võ trang. Nó cũng được tìm thấy trong nhiều huy hiệu thời hiện đại. Hổ Bengal là biểu tượng quốc gia (Quốc thú) của Ấn Độ.
Các nước Đông Nam Á khác
Cũng như ở Ấn Độ, một số quốc gia theo đạo Hindu như Indonesia, người dân quan niệm da hổ là một chiến quả của thần Shiva. Hổ là vật cưỡi của Shakti (vị thần đại diện quyền lực, khả năng, sức mạnh sáng tạo), của năng lượng thiên nhiên mà Shiva đã không phục tùng và chế ngự được.
Ở Malaysia, hổ được khắc họa trên quốc huy của Malaysia, biểu tượng của chính quyền, pháp đình cũng như biểu tượng của lực lượng cảnh sát hoàng gia nước này, ngân hàng quốc gia,...Cùng với sư tử, Hổ được thể hiện trên quốc huy của Singapore như một biểu tượng của nước này./.