Huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Cor, nổi tiếng với cây quế Trà Bồng. Nơi đây có Di tích Quốc gia Điện Trường Bà là công trình văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Cor, Kinh, Hoa, Chăm. Trong quần thể di tích này, có tượng và ngôi mộ ông Bạch Hổ... Ngày đầu xuân mới, khám phá kho tàng văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, lắng nghe những câu chuyện xoay quanh huyền thoại Bạch Hổ sơn quân; những nỗ lực của bao thế hệ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc cùng niềm mong ước về cuộc sống no ấm, an lành.
"Thời khai thiên lập địa, các vị tiền bối, tiền hiền khai khẩn vào đây lập nghiệp. Lúc bấy giờ nơi đây rất hoang vu, các vị tôn thờ bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na ở đất Sơn Bồng, Sơn Thuỷ này. Bên cạnh Bà có một đệ tử đã được phong Bạch Hổ Đại tướng quân chi thần. Ngài đã lâm tịch cách đây đường chim bay về phía Nam khoảng 500 mét".
Ông Trần Kim Thật, người quản lý trông coi Điện Trường Bà say sưa giới thiệu về lịch sử cùng những câu chuyện huyền thoại gắn liền với Di tích Quốc gia Điện Trường Bà. Đã gần 70 tuổi, ông Thật có hơn 40 năm gắn bó với di tích này.
Điện Trường Bà tọa lạc trong không gian cổ kính ở khu dân cư số 2, thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Trong khuôn viên Điện Trường Bà có các am thờ Bạch Hổ, thờ ông Voi, thờ Thần nông… Gian chính điện là ngôi nhà rường 3 gian với 16 cột gỗ. Trong chính điện có ban thờ Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na ở chính giữa, tượng Bà và môn đệ… Hai bên gian điện phối thờ hai vị nhân thần Phó đô tướng dương võ công thần Mai Đình Đông và Trấn Quốc công Bùi Tá Hán- người có công lớn trong buổi đầu đi mở đất Quảng Nam, Quảng Ngãi… Điện Trường Bà là công trình văn hóa tín ngưỡng dân gian của cộng đồng các dân tộc Kor, Kinh, Hoa, Chăm ở huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Bên ngoài Điện Trường Bà nằm ở phía Tây có miếu thờ Bạch Hổ sơn quân với tượng Ông Cọp trắng. Theo ông Trần Kim Thật, tương truyền, thời xa xưa ở vùng đất quế Trà Bồng có một Ông Hổ lông trắng toát, luôn xua đuổi các loài thú dữ, bảo vệ dân làng. Cứ đến lệ xuân lệ thu, Ông Bạch Hổ xuống núi nằm trước sân Điện Trường Bà để dự lễ cùng với dân làng.
Ông Thật chia sẻ: “Ngày Vía Bà, Ngài về quỳ ba ngày, ba đêm tại sân Điện Bà. Sau đó Ngài tiếp tục đi dẹp loạn những cọp hung, cọp dữ về bắt heo, bắt người. Đây là một quá trình tiền sử lưu lại cho con cháu tới bây giờ.”
Khi ông Bạch Hổ mất, dân làng tổ chức chôn Ông theo nghi thức ma chay truyền thống như người, lập mộ phần và tạc tượng thờ cúng Ông tại khu vực đồi Xôi, thuộc thôn Đông, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, cách Điện Trường Bà khoảng nửa cây số. Mộ của ông Bạch Hổ toạ lạc trên đỉnh đồi, cách đó vài chục mét về phía Bắc tượng ông Bạch Hổ. Ông Đinh Thanh Hiền, Trưởng thôn Đông, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng cho rằng, cứ gần đến Tết, dân làng người Cor ở đây thường quét dọn, sơn sửa phần mộ và tượng Ông Bạch Hổ sơn quân.
“Lễ tế hàng năm ở đây, bà con hay tế Thần Nông, Thần Lúa, Thần Sông Suối… Toàn dân hàng năm tụ về đây cầu mong ông Bạch Hổ phù hộ gia đình, bản làng dồi dào sức khoẻ, mùa màng bội thu trong một năm", ông Hiền nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hoá thì tục thờ cúng Thần Hổ có từ lâu đời. Không riêng gì ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, tại Việt Nam, trong số 54 dân tộc anh em, nhiều nơi đều có tục thờ Thần Hổ. Có nơi xem Thần Hổ như một vị phúc thần che chở cho làng xóm, cộng đồng cư dân địa phương. Từ xa xưa, việc thờ Thần Bạch Hổ bắt đầu từ việc ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, đặc biệt ở khu vực rừng núi có rất nhiều hổ. Thần Hổ được bà con các dân tộc tôn thờ theo tín ngưỡng dân gian. Việc thờ Thần Hổ không đơn thuần chỉ thờ tại một miếu thờ riêng, thông thường nhiều nơi có sự phối hợp thờ Thần Hổ tại một ban thờ phía ngoài các cơ sở tín ngưỡng, hoặc tạo bức bình phong với hình tượng Thần Hổ ở phía trước…
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho rằng, khi bước vào các cơ sở thờ tự, nhìn thấy bức bình phong có hình tượng Thần Hổ, con người như cảm thấy mình cần phải trấn an, chấn chỉnh lại tác phong của mình trước khi bước vào chốn linh thiêng: “Việc thờ Thần Hổ như tại huyện Trà Bồng, hay một vài nơi khác có nơi thờ Thần Hổ riêng… cũng là cách để người dân nhớ về buổi đầu khai mở đất đai tại chính mảnh đất mình sinh sống. Đây cũng là dịp để người dân ôn lại lịch sử thành lập làng xã, tạo nên sự cố kết cộng đồng trong làng xã.”
Năm 2014, Điện Trường Bà được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Văn hoá cấp Quốc gia. Lễ hội Điện Trường Bà được đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017. Lễ hội Điện Trường Bà là lễ hội lớn nhất ở miền đất quế Trà Bồng do cộng đồng dân cư tổ chức. Thông qua Lễ hội là dịp cộng đồng các dân tộc vùng cao Trà Bồng đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương. Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, Điện Trường Bà, Lăng Bạch Hổ sơn Quân trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương khi về với miền đất quế Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Thịnh nói: “Song song với việc bảo tồn phát triển du lịch tâm linh, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch trải nghiệm, và một số loại hình du lịch khác thì Điện Trường Bà, Lăng Bạch Hổ, hang Đá Bà, ngoài vấn đề tâm linh còn kiên quan đến việc phát triển du lịch. Những di tích này gắn liền với tour du lịch của Trà Bồng. Trong tương lai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho người dân. Lãnh đạo huyện đang xúc tiến triển khai trong tương lai./.”