Lần đầu tiên tại Việt Nam, “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” sẽ được tổ chức với quy mô quốc tế, quy tụ hàng trăm nhà soạn nhạc nổi tiếng của Việt Nam cũng như châu Á và châu Âu cùng hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn.
PV VOV.VN đã phỏng vấn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” về công tác chuẩn bị cho Festival.
PV: Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, các công việc chuẩn bị cho "Festival Âm nhạc mới Á - Âu" đã diễn ra thế nào?
NS Đỗ Hồng Quân: Cho đến giờ, mọi công tác chuẩn bị cho “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” đều đã hoàn tất, từ nội dung các chương trình nghệ thuật, công tác lễ tân, lịch biểu diễn, lịch hoạt động, lịch tham quan cho những nghệ sĩ nước ngoài lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.
Các công việc đó đã được tính toán kỹ lưỡng, từng bước triển khai một cách có hiệu quả, làm sao đảm bảo đúng nhất với tiêu chí một cuộc giao lưu nghệ thuật, vừa có tính chất trao đổi, giới thiệu học hỏi những tác phẩm của nền âm nhạc thế giới nhưng đồng thời cũng là để lại một ấn tượng tốt đẹp của một đất nước Việt Nam hiếu khách, có nền văn hóa lâu đời. Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh đến ấn tượng về âm nhạc Việt Nam với những dấu ấn riêng biệt.
Có thể nói, Việt Nam đã sẵn sàng để khai mạc “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” và gây ấn tượng với quan khách.
PV: Được biết, trong “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” lần này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng có một tác phẩm được trình diễn với tên gọi “Dialogue”. Ông có thể nói rõ hơn về tác phẩm này?
NS Đỗ Hồng Quân: Tác phẩm “Dialogue” (Đối thoại) viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng. Đây là một tác phẩm dài hơi gồm nhiều khúc đoạn với những trạng thái âm nhạc khác nhau, có những đoạn sôi nổi, có những đoạn trữ tình, có những đoạn mang tính chất lễ hội. Giai điệu của tác phẩm như sợi dây nối bằng âm thanh của tiếng đàn bầu. Đây là loại đàn dân tộc của Việt Nam và cũng độc nhất vô nhị trên thế giới. Đàn bầu chỉ có 1 dây nhưng có khả năng thể hiện rất nhiều kỹ thuật cũng như âm sắc độc đáo.
Ý tưởng của tôi khi sáng tác “Dialogue” là sự đối thoại, giao hòa giữa âm hưởng của nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc quốc tế, giữa nhạc cụ độc tấu với tập thể dàn nhạc, giữa giai điệu dân gian Việt Nam với những cấu trúc về âm nhạc, hòa thanh, tiết tấu của một dàn nhạc tiêu biểu phương Tây. Tóm lại, tôi muốn vẽ nên một bức tranh phong phú về giai điệu, về màu sắc và có sự đối thoại.
Trong tác phẩm cũng có nhiều giai điệu của các vùng miền như dân ca miền Trung, dân ca Bắc bộ, hát Xoan… tạo thành một con đường gắn kết giữa văn hóa và âm nhạc của 2 châu lục.
Tác phẩm này được nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam vào Lễ khai mạc tối 8/10. Tôi, với tư cách là tác giả sẽ trực tiếp chỉ huy và dàn dựng tác phẩm này.
PV: Ông có nhận xét gì về các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam tham gia “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” lần này?
NS Đỗ Hồng Quân: Các nhạc sĩ Việt Nam đều đã có sự chuẩn bị cho “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”. Có nhạc sĩ viết tác phẩm mới, có nhạc sĩ tuyển chọn những tác phẩm mình viết trong thời gian gần đây để đúng với tiêu chí của Festival là sử dụng những tác phẩm mới viết nhất của các nhạc sĩ đương đại.
Sự đa dạng của bút pháp là điểm mới của các nhạc sĩ Việt Nam khi tham gia Festival, thể hiện xu hướng âm nhạc hiện đại nhưng cũng có sự kinh điển. Điển hình như “Chiếu dời đô” của Doãn Nho theo phong cách kinh điển, tương phản với “Điểm hẹn” của Nguyễn Thiện Đạo, “Con gà rừng” và “Trống cơm của Đặng Hữu Phúc. Các tác phẩm thể hiện đầy đủ về đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân./.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sinh năm 1956. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Phó phòng nghệ thuật Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Phó Chủ nhiệm Khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội, Trưởng Ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (từ 2005).
Một số tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Hồng Quân như “Rhapsody Việt Nam” cho Dàn nhạc Giao hưởng (1985), tác phẩm khai mạc “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô” tháng 6/1985, “Hồng hoang” cho Ballet, “Trổ một” cho Dàn nhạc giao hưởng (2008), “Dáng rồng lên” cho Dàn nhạc Giao hưởng (2010) cùng nhiều tác phẩm thính phòng, ca khúc, hợp xướng, hợp xướng thiếu nhi, Romance…
Ông từng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2010; các giải Nhất, Nhì và nhiều giải thưởng khác của tổ chức nghề nghiệp chuyên ngành và quốc tế và nhiều lần đoạt giải thưởng nhạc phim trong liên hoan phim quốc gia.