Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam được biết đến nhiều với những tác phẩm khí nhạc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình với cả trăm bản giao hưởng, tổ khúc, hợp xướng, bản nhạc thính phòng… NS Nguyễn Văn Nam cũng giành được rất nhiều giải thưởng. Trong đó có giải thưởng Nhà nước cho Giao hưởng số 3 “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”, Tổ khúc giao hưởng “Tiếng sáo 1”, Thơ giao hưởng “Tưởng Nhớ”, Giao hưởng số 5 “Mẹ Việt Nam”, Giao hưởng số 6: “Sài Gòn 300 năm”…
Sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là bản giao hưởng 4 chương mang tên “Cửu Long dậy sóng”. Tác phẩm này sẽ được trình diễn tại “Festival Âm nhạc mới Á-Âu”sẽ diễn ra tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 8-12/10.
Nói về sáng tác của mình, trong giọng nói của người nhạc sĩ già không giấu được niềm yêu thương và tự hào. Bản giao hưởng số 9 mang trọn tình yêu của ông với vùng sông nước miền Tây - nơi ông sinh ra và lớn lên. Vùng sông nước ấy đã để lại trong ông những ký ức ngọt ngào, vô tư, hồn nhiên của tuổi thơ và cả những mất mát không thể nào nguôi ngoai.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây để lại cho tôi những ấn tượng sâu nặng. Tác phẩm là lời tri ân của tôi với vùng đất này. Từ khi 13, 14 tuổi, tôi đã theo cách mạng, đi theo kháng chiến. Đi khắp chốn vùng Đồng Tháp Mười, tôi đã có những ký ức không thể nào quên. Để bây giờ, tôi mang nó vào trong giai điệu chậm, trữ tình nhưng cũng mạnh mẽ, hào hùng của bản giao hưởng số 9” – nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Bản giao hưởng số 9 “Cửu Long dậy sóng” bao gồm 4 chương. Chương 1 có tên “Dòng sông tuổi thơ” với giai điệu chậm và có sự thể hiện của giọng nam cao, trích lời thơ từ bài “Dòng sông tuổi thơ” của nhà thơ Lê Anh Xuân: “Dòng sông tuổi nhỏ. Mấy nhịp cầu ngang. Mẹ dắt ta sang. Giữa mùa nước rong mênh mông. Nước ròng mẹ đi xúc cá. Ta đi theo mẹ. Chân lúng trong phù sa. Dòng sông tuổi nhỏ. Sóng lao xao. Ôi! Những chiếc thuyền mo cau. Đã chở tuổi thơ ra biển cả…”.
Chương 2 chuyển sang giai điệu nhanh, rộn ràng, là “Bức tranh thiên nhiên” tuyệt đẹp của vùng sông nước miền Tây. Chương 3 với nhan đề “Đêm trăng Tháp Mười” là chương đặc biệt nhất. Giai điệu chậm, trữ tình giống như nhạc sĩ thắp lên nén hương cho người cha đã qua đời trong cuộc chiến khốc liệt ở vùng Đồng Tháp Mười năm 1951. Chương 4 có sự thể hiện của dàn hợp xướng mang tên “Cửu Long cuộn sóng dâng trào”.
Lần đầu tiên gửi tác phẩm tham gia “Festival Âm nhạc mới Á-Âu”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam hy vọng đây là cơ hội để mang “Cửu Long dậy sóng” tới với đông đảo khán thính giả. Chương 3 “Đêm trăng Tháp Mười” sẽ được trình diễn tại một Liên hoan Âm nhạc với quy mô lớn và lâu đời như “Festival Âm nhạc mới Á-Âu”./.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh ngày 14/7/1936 tại xã Vĩnh Kim – huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1959, ông trúng tuyển vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1966, ông được Nhà nước cử sang học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Léningrad, nay là Nhạc viện Saint - Péterbourg (Nga).
Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học (thủ khoa) với Bản giao hưởng số 1 mang tên “Tặng đồng bào miền Nam anh dũng”.
Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ ngành sáng tác với tác phẩm: “Giao hưởng số 3 – “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”. Tác phẩm đã được công diễn thành công tại Đại hội âm nhạc mùa xuân Léningrad lần thứ 12 năm 1976. Sau đó, tác phẩm được dàn dựng thành Kịch múa “Việt Nam của tôi” công diễn tại Cung điện Kremlin - Moscow vào năm 1979.
Năm 1981, với công trình “Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam”, ông đã nhận thêm bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc.
Năm 2001, ông được mời sang Mỹ tham gia Hội thảo: "Sự kết hợp âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm hiện đại trong sáng tạo tác phẩm mới". Đồng thời, ông cũng có tác phẩm tham gia buổi hòa nhạc tại Chicago – Mỹ.
Hiện nay, ông tham gia công tác giảng dạy bậc Cao học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông là: Hội viên Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ CHLB Nga.