Ngay từ năm 1956, khi chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” chính thức lên sóng hàng ngày thỉ Đài TNVN vẫn cố gắng để tất cả các vốn cổ truyền về dân ca được thường xuyên xuất hiện và dần dà được bổ sung thêm cả thể loại và cả người hát, người đàn. Từ đó số lượng thư thính giả gửi về ngày càng nhiều theo tháng năm.
Ngoài việc yêu cầu được nghe lại những bài hát chèo, ca cải lương trích trong các vở diễn, cũng như dân ca mọi vùng trong cả nước bằng lời cổ; thì lời ca tiếng nhạc về cuộc sống hàng ngày, về lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc đấu tranh để thống nhất đất nước – điều đó không thể thiếu trên làn sóng phát thanh quốc gia, bằng những lời mới phản ánh và ngợi ca con người mới, sự việc mới diễn ra, kể cả phê phán những thói hư tật xấu và châm biến kẻ địch.
Ảnh minh họa. |
Trước yêu cầu này, Đài TNVN thành lập Phòng biên tập Dân ca, tổ biểu diễn chèo, ca Huế, cải lương, dân ca các miền (trong đó có cả dân ca các dân tộc thiểu số) và tất nhiên không thể không có những cuộc vận động viết lời mới cho các thể loại dân ca để đáp ứng những yêu cầu của xã hội, của bạn nghe Đài. (Lúc đó duy nhất chỉ có Đài TNVN, Đài Truyền hình mãi đến năm 1970 mới có trong phạm vi Hà Nội). Công việc ấy thể hiện được hơi thở đương đại cuộc sống thường ngày về mọi mặt.
Cho đến nay đã hơn 60 năm, nghĩa là đã hơn một nửa thế kỷ các thế hệ những người biên tập vẫn trung thành với những gì chúng tôi đã, đang làm và thực sự có hiệu quả nhất định. Nó góp phần động viên công nhân, nông dân, viên chức và các chiến sĩ trong cả nước. Điều đó thể hiện rõ nhất qua hàng ngàn lá thư của thính giả gửi về cho Đài yêu cầu được nghe lại các tiết mục dân ca và nhạc cổ truyền, đồng thời không quên động viên nhận xét góp ý cho từng bài, từng chương trình phát sóng.
Việc soạn lời cho các làn điệu dân ca rất dễ nhưng cũng thật khó. Dễ là nó có nhạc sẵn của các cụ xưa để lại, chỉ cần "lắp" lời vào là được. Chính vì vậy mà hiện nay cả nước sáng tác được dân ca. Khó là phải am hiểu nhiều về dân ca, chọn làn điệu sao cho phù hợp với nội dung (phù hợp cả thể loại và vùng dân ca đó, khi cần thiết). Lời mới cho dân ca phải là ngôn ngữ dân gian, có chất văn học, giàu hình tượng và đặc biệt (rất quan trọng) là lời bài ca phải vần theo từng thể thơ. (Các cụ xưa sáng tác một bài ca Huế từ đầu đến cuối bằng một vần Y (đi, chi, ly, vì, thì, kỳ, gì... Có bài chỉ một chữ Ch chắp lại: Chưa chồng chơi chốn chùa chiền – Chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng)…
Tóm lại, viết lời cho dân ca có yêu cầu riêng, có tiêu chuẩn riêng của nó không thể tuỳ tiện sáng tác được. Đa số lời dân ca cổ đều có thể thơ lục bát (6/8) nếu ta bỏ lạc vần hoặc sai vần thì không bằng các cụ và như thế không đạt yêu cầu về thể thơ và về thẩm mỹ.
- Yêu nhau cởi áo cho nhau/Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay (Quan họ )
- Chiều chiều ra đứng lầu tây/Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng/Thương cô tôi thương trong lòng (Nam Bộ)
- Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/Sông Lam hết nước, đó đây hết tình (Nghệ Tĩnh)
- Chiều chiều dắt bạn qua đèo/Chim kêu bên nớ vượn trèo bên ni (Bình Trị Thiên)
- Khen ai khéo vẽ nên bông/Một bầy con xít lội sông đi tìm/Thương ai con mắt lim dim/Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ (Bắc Bộ)
Những ví dụ trích dẫn trên đây chỉ nhấn mạnh lời câu thơ chính, chưa kể đến những từ đệm (ơi à, ô là, tang tình, mà là, ơi hỡi, tình bằng, i à, còn như…) để khi hát lên mới hoàn chỉnh trọn vẹn được một bài.
Việc sáng tác lời phần lớn dựa theo dấu giọng ờ làn điệu cổ (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã), nếu biết nhạc biết hát thì dễ sáng tác hơn (vì bám theo từng nốt nhạc cao thấp).
Cũng có những trường hợp giữa nhạc và lời (lời cổ) rất khó nghe (nghịch tai) thì cần phải lưu ý. Ví dụ " Muốn đi cầu ván" khi hát thành " Muộn đị cậu vạn” ( khu 5). Đây là làn điệu dùng cho 1 nhân vật diễn xuất nhí nhảnh cố tình hát trại (chệch) nó đi. Nhưng nếu ta cứ gò theo lời cổ mà sáng tác thì dễ buồn cười vì ngô nghê quá. Điệu "con gà rừng" trong hát chèo cũng thế, khi hát thì thành ra "cón gá rưng". Đây cũng là điệu hát của nhân vật để diễn xuất sự ghen tuông trong vở diễn. Do đó khi cần đứng độc lập như 1 ca khúc hoàn chỉnh thì phải lưu ý trong việc soạn lời mới thông qua giai điệu của bài dân ca ấy.
Cho đến nay, cái nghịch lý là người nghe dân ca thì nhiều, nhưng người viết lời được cho dân ca thật hay, thật chuẩn để đọng lại trong lòng người nghe thì ít lắm. Quả thật làm lời khó lắm thay!
Một số hội thảo ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước đây do Đài TNVN phối hợp tổ chức, trong phát biểu của mình, chúng tôi đã từng tha thiết đề nghị (nói đúng hơn là kêu gọi) các nhạc sỹ hãy viết lời cho dân ca. Nếu các nhạc sĩ viết được, chúng tôi sẽ trả nhuận bút gấp đôi, gấp ba mức đang trả. Nhưng tiếc thay rất ít người viết được vì quá khó. Có chăng, mới có các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Vĩnh An, Phạm Minh... tham gia tích cực mà thôi. Sau này mới có thêm Nguyễn Liệu, Phúc Minh, Tuấn Giang, Đức Miêng… cộng tác thường xuyên với Đài và đã biết cách sáng tác lời mới.
Vấn đề này chưa có Trường nào dạy, chưa có mô hình nào trước đó để làm mẫu. Đài tự nghiên cứu, tự tìm ra hướng đi vả thực hiện - vừa thiết kế, vừa thi công theo phương châm “Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học”, cố gắng đến mức tối đa để có nhiều điểm cộng, ít điểm trừ - chứ Hội Nhạc sĩ cũng chưa bao giờ đề cập nhiều đến phần lời (kể cả trong ca khúc).
Về danh từ Quan họ Đài: Nhiều người cứ tưởng hễ nói "Quan họ Đài" là phê phán nhà Đài. Thực ra đó là một sự hoan nghênh, một sự ghi nhận của thính giả cả nước (trong đó có cả dân quan họ). Bởi quan họ từ xưa vốn là hát không nhạc đệm, chỉ có đối đáp như một số canh hát diễn xướng ở lễ hội. Lúc đầu Đài TNVN cũng đã phát nguyên xi lối hát đó kể cả giới thiệu những làn điệu riêng lẻ. Nhưng nghe mãi “ê, a" như thế thì chán, thính giả đề nghị lối hát, kiểu hát ấy nên dành cho các chương trình tìm hiểu vốn âm nhạc cổ truyền. Còn việc thưởng thức nên làm cách khác cho đỡ "ngán” ví như nhạc đệm cho hát, dù chỉ một cây hoặc cả dàn nhạc. Đó cũng là cách “cải thiện cái tai”, tăng thêm thẩm mỹ âm nhạc cho người nghe.
Từ những đề nghị này mà Đài TNVN đã chọn lọc nâng cao một số bài hát riêng lẻ (thể hiện như một ca khúc hoàn chỉnh), kể cả các ca cảnh, hoạt cảnh. Hình thức này không chỉ có "Quan họ Đài" mà còn có “Chèo Đài”, "Cải lương Đài...
Nhờ cân bằng giữa lời cổ và lời mới, giữa nghệ nhân và nghệ sĩ, giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư trong các chương trình phát sóng, nên hơn 60 năm qua đã thu hút một lượng lớn thính giả (già, trẻ, trai, gái) yêu mến dân ca và nhạc cổ truyền trong nước cũng như bà con Việt Kiều và bạn bè quốc tế. Chúng tôi tự hào về điều đó trong sự trưởng thành của 73 năm Đài TNVN (1945 – 2018), góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và truyền bá phát huy nó trong cuộc sống mới,trong thời đại mới./.