Cần phải làm gì để nhanh chóng “cứu” ca trù trước nguy cơ bị rút danh hiệu, trong khi thời gian cho những công việc này chỉ còn 1 năm.
Phóng viên VOV phỏng vấn Nhà nghiên cứu âm nhạc, Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người có nhiều năm nghiên cứu về ca trù.
PV:Thưa Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, 4 năm sau khi được thế giới công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp”, ông đánh giá như thế nào về việc bảo vệ Di sản Văn hóa này, nhất và việc hỗ trợ cộng đồng từ phía các nhà quản lý văn hóa?
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Việc hỗ trợ cộng đồng (một trong những danh từ dùng trong hồ sơ quốc gia) chúng ta làm còn yếu. Yếu ở nhiều mặt như: ca trù đang nằm trong tình trạng không có tỉnh nào bỏ tiền ra để đầu tư. Ngay như Hà Nội - Trung tâm ca trù lớn hơn 1.000 năm nay nhưng dường như ca trù cũng bị bỏ lửng. Các nhà văn hóa ở Hà Nội hầu như không quan tâm.
Các địa phương hầu như không có động thái và chương trình hành động nào để quán xuyến. Khi có vụ việc ca trù mới ngó ngàng 1 chút, cho nên việc phát triển ca trù do tổ chức của Nhà nước, chính quyền ở địa phương hầu như không được quan tâm.
Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là họ không quan tâm nên không hiểu về ca trù. Khi người ta xin thành lập CLB, xin chi phí hoạt động lại có cái nhìn lệch lạc. Nó không đúng với bản thân nghệ thuật ấy và cũng không đúng với hành động quốc gia, trong hồ sơ chúng ta trình UNESCO. Điều này rất quan trọng vì như vậy chúng ta chưa thực hiện hành động đúng, đủ để nghệ thuật ấy phát triển trong cộng đồng.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Tôi phải nói rằng, để thực hiện chương trình hành động quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có các hoạt động cụ thể và thiết thực như: tổ chức liên hoan ca trù, mở lớp đào tạo về ca trù trong năm 2011 -2012… Những hoạt động này chưa đủ để kích thích một môn nghệ thuật đã xa rời với đời sống khá lâu. Bên cạnh đó, cũng chưa có chính sách hay cách ứng xử thỏa đáng đối với bản chất của môn nghệ thuật này. Cho nên, nó chưa được cộng đồng đánh giá cao hành động của nhà nước.
Tôi đã làm việc với một số vị lãnh đạo ở Sở Văn hóa các tỉnh, họ muốn chi phí để hoạt động nhưng họ không dám làm vì không có cơ sở để chi. Vì nếu họ chi tiền của nhà nước phải chi theo ngành, ngạch, quyết định, thông tư thật cụ thể. Ví dụ như ở TP HCM muốn tổ chức liên hoan hay hoạt động nào đó thì không có kinh phí để thực hiện... Do vậy, Bộ VHTT&DL phải ban hành các văn bản thật cụ thể, chi tiết để các tỉnh noi theo.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Việc kiểm kê là một trong những công tác hàng năm, năm nào cũng phải làm, ca trù cũng thế.
Kiểm kê là việc quan trọng để báo cáo với UNESCO để có cơ sở so sánh, mức độ phát triển hay không, nghệ nhân nào mới ra đi, lớp mới ra như thế nào…Thông qua kiểm kê, thế giới có thể đánh giá mức độ của nghệ thuật ấy như thế nào trong đời sống hôm nay.
Hiện nay, các tỉnh đã tham gia nhiều lớp kiểm kê. Việc kiểm kê hàng năm do Bộ VHTT&DL, Viện Âm nhạc kết hợp với các địa phương tiến hành để có báo cáo chính xác.
Liên hoan ca trù Hà Nội 2012 (ảnh: VOV Giao thông) |
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Hội Văn nghệ Dân gian đã làm rất tốt và ông nhìn thấy sự cần thiết trong việc động viên các nghệ nhân.
Dù chỉ là bằng do Hội Văn nghệ Dân gian phong tặng nhưng nó vô cùng quý giá đối với nghệ sĩ và nghệ nhân biết nhường nào. Tôi nghĩ rằng, Bộ VHTT&DL quá chậm chạp và quá cồng kềnh.
Khi nộp hồ sơ, chúng ta có 22 nghệ nhân nhưng đến bây giờ, 3/4 trong số ấy đã ra đi. Cho nên, số người còn lại để phong tặng quá ít mà cũng không làm được. Quá chậm chạp, thật đáng trách! Có lẽ đối với ca trù, việc phong tặng đến tận tháng 9/2014 mới xong thì các nghệ nhân đã đi hết rồi.
Tôi nghĩ chúng ta phải có cách làm nhanh hơn để cho các nghệ sĩ còn sống còn nhận được danh hiệu. Nếu họ ra đi thì danh hiệu đối với họ chẳng còn ý nghĩa nữa.
Nhưng danh hiệu ấy vẫn chưa quan trọng bằng việc tổ chức các lớp học để họ truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ. Hiện nay, việc Bộ VHTT&DL đang làm giống như “gió thoảng qua đỉnh núi” không có tác động bao nhiêu. Cho nên, điều cấp thiết ngay bây giờ là phải tổ chức ngay các lớp đào tạo để các nghệ nhân truyền dạy cho con cháu hơn là cầm một tờ giấy đi về cõi.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan:Theo tôi cần 3 giải pháp vô cùng quan trọng. Đó là ra những chính sách để các tỉnh dựa vào đó để thực hiện và phục hồi, bảo vệ ca trù. Thứ hai, chúng ta tổ chức nhiều hoạt động, liên hoan để cọ xát, trao đổi kinh nghiệm, giúp các nghệ nhân được trình diễn trước công chúng. Vì ca trù là nghệ thuật trình diễn, và trình diễn thì phải có người nghe, người thưởng thức. Cuối cùng, tổ chức các lớp truyền dạy, đào tạo về ca trù. Đó là 3 việc cần làm ngay từ bây giờ.
PV: Cảm ơn Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan./.