Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ hai khai mạc sáng nay tại Văn Miếu  Quốc Tử Giám với sự tham gia của  nhiều Nghệ nhân dân gian tiêu biểu trong nghệ thuật hát ca trù như Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đệ, Nguyễn Thị Sinh…cùng các ca nương, kép đàn của các câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Hà Nội và các giáo phường Lỗ Khê, Thăng Long, Thái Hà.

dsc_3213.jpg
Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan (Ảnh: Quang Trung)

Khác với Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ nhất, kì liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 2 không chấm giải mà nhằm mục đích bảo tồn các làn điệu Ca trù cổ đang có nguy cơ bị mai một  thuộc các loại hình Hát thờ, Hát cửa đình, Hát ca quán…

Đồng thời, Liên hoan cũng khuyến khích các câu lạc bộ Ca trù trên toàn thành phố kiểm kê các làn điệu cổ thuộc thế mạnh của đơn vị, triển khai tập luyện và trình diễn những làn điệu Ca trù đó.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho biết: “Ca trù rất sâu, có nhiều làn điệu. Người ta gọi là thể cách. Có nhà nghiên cứu bảo là có 90 thể cách, rồi 30 thể cách nhưng hiện nay người ta chưa khẳng định được. Chúng tôi làm bước này để kiểm kê xem mỗi câu lạc bộ, mỗi giáo phường ở Hà Nội giữ được bao nhiêu thể cách”.

Từ năm 2009, khi Ca trù được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa cùng nghệ nhân đã làm dấy lên ý thức bảo vệ loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng. Trong đó, có việc truyền dạy cho các ca nương, kép đàn trẻ theo học tại các câu lạc bộ. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.

 Tại liên hoan, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Khuê – câu lạc bộ ca trù Thái Hà cho biết, hiện việc truyền dạy ca trù là rất khó khăn vì các học sinh đều phải học văn hóa và học một nghề khác, bản thân ca trù cũng không có trường lớp đào tạo, học ca trù cũng chỉ là để giữ nghề chứ không thể kiếm sống.

Trong hai ngày diễn ra liên hoan, bên cạnh những buổi biểu diễn của các câu lạc bộ ca trù, cũng diễn ra buổi tọa đàm về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội nhằm thực hiện chương trình hành động của chính phủ đã cam kết trong hồ sơ gửi UNESCO đăng kí danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”./.