Đó là nhận định của các đại biểu, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm về “Giải pháp bảo tồn nghệ thuật Ca trù trên địa bàn Hà Nội” diễn ra chiều 21/12 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong khuôn khổ Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 2.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: khi ca trù được vinh danh, câu lạc bộ Ca trù ở đây cũng được quan tâm, động viên nhưng sau đó lại bị bỏ quên. Bằng chứng là ngoài Hội Văn nghệ dân gian, không có một tổ chức hay cơ quan quản lý nhà nước nào quan tâm tới các nghệ nhân. Chanh Thôn là một xã thuần nông, nên những người theo đuổi nghệ thuật Ca trù đều là “tay ngang” và nếu không được quan tâm và hỗ trợ thì rất dễ rơi vào cảnh “vác tù và hàng tổng”:
“Khi UNESCO công nhận thì không thấy bóng dáng nhà lãnh đạo hỏi đến các cụ nghệ nhân. Các cháu đi học hát bảo đi biểu diễn cho ai. Đối với chúng tôi để bảo tồn được ca trù rất khó khăn. Hai nghệ nhân cao tuổi nói vui xin trả danh hiệu nghệ nhân dân gian vì nhận chẳng được gì mà cũng chẳng làm thế nào phát triển được. Các ban ngành văn hóa phải liên tục mở ra những cuộc thi thế này để các cụ nghệ nhân và các học viên thể hiện” – bà Ngoan đề xuất.
Nghệ sỹ Bạch Vân biểu diễn tại khai mạc Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 2 (ảnh: Quang Trung) |
Theo bà Lê Thị Bạch Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội: CLB là tổ chức hoạt động nghề nghiệp đầu tiên ra đời tại Hà Nội nhằm tập hợp nhiều cây đại thụ của Ca trù để truyền dạy cho thế hệ sau. Việc chăm sóc, phụng dưỡng các cụ bấy lâu nay vẫn do bà và các anh em trong câu lạc bộ đảm nhận. Điều mong muốn của CLB là các cấp quản lý quan tâm về đời sống tinh thần và vật chất cho các nghệ nhân, phải có một giáo trình bài bản, nghiên cứu, thống kê một cách đầy đủ làn điệu Ca trù để thế hệ sau có thể tiếp thu được.
“Tôi đề nghị có quỹ đào tạo thế hệ trẻ, có kinh phí cho nghiên cứu. Phải đào tạo người nghe để người ta biết hát thế đúng hay chưa. Tôi cũng đề nghị đào tạo chuyên nghiệp, có kinh phí để trả tiền cho họ. Các liên hoan, hội nghị nên mời ca trù đến, phải có sân chơi cho ca trù. Hà Nội cũng nên tổ chức liên hoan 2 năm một lần” – bà Bạch Vân nêu ý kiến.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đồng tình về ý kiến này và đề nghị: “Để cứu ca trù phải làm mấy việc sau: Một là sinh lực còn bao nhiêu tức là các thể cách và làn điệu. Trên thực tế là Bộ VHTT-DL, các Sở vào cuộc nhưng không có kế hoạch cụ thể nào cả. Phải có một chế độ có thể ít thôi nhưng cụ thể. Chẳng hạn, 20 năm nay mỗi nghệ nhân có một sổ bảo hiểm y tế nhưng vẫn chưa có. Chúng ta bỏ rơi những thứ rất đáng quý. Chỉ một người chết đi con cháu lấy đâu mà học”.
Hiện nay, nhiều câu lạc bộ không có nổi một địa điểm biểu diễn, càng không thể nói đến chuyện sống được bằng nghề. Chính vì vậy, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cũng đề nghị phải có không gian riêng cho Ca trù. Ca trù đã được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại và trong các kiến nghị trình UNESCO, chúng ta cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn. Thế nhưng, đến nay việc bảo tồn vẫn là tự phát, tự làm mà chưa có những hoạch định, kế sách cụ thể nào. Đó là điều đáng lo ngại./.