tien_12__dxxc.jpg
Nhạc sĩ Trần Tiến là một nhạc sĩ nổi tiếng và được hàng triệu khán giả Việt Nam yêu mến trong suốt hơn 40 năm qua. Ông còn được mệnh danh là người “nhạc sĩ du ca" với những chuyến biểu diễn phục vụ khán giả trên chiếc xe jeep những năm 90 của thế kỷ trước.
Người ta lúc nào cũng thấy ông với một vẻ hóm hỉnh, nụ cười hiền lành rất "phớt đời" và chiếc mũ bê rê quen thuộc. Người ta nghe những sáng tác, có đôi khi đầy chất ngẫu hứng, cũng có đôi khi lại chiêm nghiệm với nhiều suy tư về nhân tình thế thái...
Trần Tiến từng chia sẻ rằng, ông là một người thích sự xê dịch - thích đi lang thang phố xá, gặp gỡ bạn bè, trải nghiệm cuộc sống. Những chuyến đi mang lại cho ông khối tài sản đáng quý - những kỷ niệm, những câu chuyện hồi ký, những mẩu tản văn và hàng trăm bài hát. Những chuyến đi như hình thành nên tính cách, con người và âm nhạc của Trần Tiến. 
Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, ở Việt Nam, tinh thần du ca đã thấm sâu vào các nhạc sĩ từ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đến Trần Tiến và Lê Minh Sơn. Đây là bốn nhạc sĩ tiêu biểu cho cho du ca Việt Nam. 
Với riêng Trần Tiến, Nguyễn Cường nói rằng:“Trần Tiến sinh ra để... du ca, du ca là phương thức, là bản chất của Trần Tiến".
Trần Tiến kể rằng: Ngày đó ở chiến trường mình chơi đàn guitar và hát cho bất cứ nơi nào có lính, dù chỉ hai ba người. Thế cũng gọi là một thứ du ca thời chiến. Ngày về hậu phương, xem phim về họa sĩ Goya ở Hà Nội, có nhóm nhà thơ, ca sĩ, họa sĩ đi chân đất hát ngoài quảng trường với công chúng nghèo. Phải đến lúc đó tôi mới mơ mộng, và nổi máu giang hồ xách đàn ra đi”.
Sau đó, nhạc sĩ Trần Tiến vào Sài Gòn, bắt đầu thực hiện giấc mơ viết những ca khúc cho sinh viên hát chui, nghêu ngao trong trường, lính trẻ nghêu ngao ngoài mặt trận..., những thứ ngẫu hứng theo tâm tình.
Đến năm 1990, Trần Tiến lập nhóm “Du ca Đồng nội” để đi hát kiếm tiền xây dựng một “Trường nhạc cho trẻ mồ côi, trẻ thiếu may mắn”. 
Trần Tiến cùng nhóm Đồng Nội du ca khắp nơi, không nhà hát, phông màn, không quảng cáo bán vé. Có bao nhiêu tiền cho hết, đi đến tận cùng trời đất vì trẻ em bất hạnh. Trong 7 năm, ông và nhóm đào tạo được 25 nghệ sĩ tí hon trong lớp học “Mặt trời nhỏ”.
Sau này, nhạc sĩ Trần Tiến không đi du ca nhưng vẫn tiếp tục phong cách du ca trong sáng tác. Những bài hát đủ thể loại: từ jazz, rock, hiphop, country, latin, dance vẫn có chất pop của du ca, dễ thuộc, dễ nhớ nhưng không dễ dãi, hát lên không thấy nhạt miệng. Đó chính là phong cách du ca hiện đại
Ông tâm sự rằng: "Đời đi hát chỉ có thời du ca là hồn nhiên và hạnh phúc. Trên chiếc xe Jeep cà tàng vừa đi, vừa đẩy".
Giờ đã ở tuổi gần 70, nhạc sĩ Trần Tiến không đi du ca nữa mà... viết văn. Mới đây, ông cho ra mắt cuốn sách "Ngẫu hứng Trần Tiến” gồm 27 khúc ngẫu hứng văn xuôi, được chính ông viết về những kỷ niệm buồn vui, những cảm xúc và trải nghiệm khó quên, những thăng trầm sóng gió trong suốt cuộc đời mình.
Nhạc sĩ cũng sẽ cùng cháu gái Hà Trần trong bộ ba "Trần gia nhã nhạc" tham gia đêm nhạc In the Spotlight "Hà Trần hát Trần Tiến", diễn ra vào tối 30/9 tại Hà Nội.
Ngoài những bài hát đã được đông đảo khán giả biết đến như “Chị tôi”, “Phố nghèo”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Điệp khúc tình yêu”… chương trình cũng sẽ giới thiệu tới công chúng một số sáng tác gắn liền với những giai đoạn, bối cảnh đặc biệt đối với nhạc sĩ Trần Tiến mà lâu nay chưa được phổ biến rộng rãi./.