Liveshow Trọng Tấn “Bài ca không quên” chỉ diễn ra một đêm duy nhất, vào tối 21/11 tại Hà Nội. Theo tiết lộ từ BTC, vé cho liveshow đã bán hết từ lâu. Khán phòng của Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô chật kín khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau, cho thấy sức ảnh hưởng của Trọng Tấn và sự yêu mến dòng nhạc đỏ vẫn còn rất nồng nàn.
Không phụ sự mong đợi của khán giả, “Ông hoàng nhạc đỏ” Trọng Tấn đã khiến cho người nghe say mê với hơn 20 ca khúc được thể hiện trong chương trình. Mở màn là những sáng tác như “Đất nước lời ru”, “Làng tôi”, “Tình hoài hương”, “Quê hương”, “Đất nước tình yêu”. Vẫn với giọng hát đầy nội lực, những nốt luyến láy tinh tế, những nốt cao mạnh mẽ đầy uyển chuyển, Trọng Tấn đưa người nghe lên chuyến tàu trở về với ký ức, với những “Bài ca không quên” đầy sâu lắng – đúng như tên gọi của chương trình.
Trọng Tấn |
Chùm tác phẩm về quê hương, đất nước, con người cũng là một lời nhắn nhủ của Trọng Tấn rằng, dù có đi bất cứ nơi đâu, nam ca sĩ cũng sẽ trở về trở về với khán giả bằng những cảm xúc mãnh liệt nhất trong âm nhạc. Cũng bởi, đây là liveshow mà Trọng Tấn ấp ủ trong hơn 1 năm, với sự chuẩn bị kỹ càng và dồn nhiều tâm huyết.
Song, phần mở màn lại không được như mong đợi với sự cố khá đáng tiếc về âm thanh, khiến dàn nhạc và Trọng Tấn khó bắt đúng nhịp và cảm xúc. Phải đến phần sau, khi âm thanh đã ổn định, khán giả mới có thể nghe được những phút thăng hoa “khó có thể tưởng nổi” của Trọng Tấn.
Với “Hoa sim biên giới”, “Ngày mai anh lên đường”, Trọng Tấn hát “tình” hơn, đằm thắm hơn cùng một bản phối mới, thiên về acoustic cho những ca khúc tưởng chừng quá cũ. Đó là cách mà Trọng Tấn thử thách mình, là sự phá cách khi khán giả đã đóng đinh anh vào trong một hình ảnh nhất định. Cách hát có phần vui vẻ và sôi động của “Ngày mai anh lên đường”, sự sâu lắng, man mác của “Hoa sim biên giới” khiến khán giả dù bất ngờ nhưng vẫn vỗ tay không ngớt.
Ngay sau đó, sự xuất hiện của bộ ba Đăng Dương – Việt Hoàn – Trọng Tấn đã làm bùng nổ khán phòng. Chùm ca khúc “Mời anh đến thăm quê tôi”, “Đồng đội”, “Cây đàn ghita của đại đội 3” được bộ 3 hát với niềm hăng say. Ba NSƯT này đã cùng hát với nhau từ năm 1998. Sự thấu hiểu và quen thuộc đã khiến mỗi khi hát, chất giọng họ lại hòa vào nhau một cách tự nhiên.
Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn |
Đến “Việt Nam quê hương tôi” và “Đường chúng ta đi”, khán giả đã đứng lên vỗ tay và hát cùng tam ca những ca khúc quá kinh điển này. Nét khéo léo của giám đốc âm nhạc Thanh Phương là không dùng bất kỳ dụng cụ điện tử nào, chỉ sử dụng những âm thanh mộc nhưng vẫn tạo được sự hoành tráng và hào hùng cho liên khúc. Sự thăng hoa của tam ca đã khiến dù ca khúc kết thúc, nhưng khán phòng vẫn vang dội âm hưởng và cảm xúc bằng những trang pháo tay không dứt. Nhiều khán giả đã hét lên: “Hát lại đi, hát lại đi” khiến bộ 3 phải trở lại sân khấu, hát thêm phần điệp khúc để thỏa mãn khán giả.
Sau sự bùng nổ, khán giả lại được lắng lại với chùm ca khúc dân gian. Những ca khúc này khác với phong cách thường thấy của “Ông hoàng nhạc đỏ”. Trọng Tấn tự khai phá tiềm năng của mình một cách ngẫu hứng, đa dạng hơn chứ không chỉ đóng đinh trong cái danh xưng của chính mình.
Làm mới và Trọng Tấn làm mới triệt để. Từ “Lời ru” – một ca khúc đậm chất Bắc bộ dịu dàng và êm ái, cho đến “Neo đậu bến quê” của miền Trung đầy sâu lắng. Trọng Tấn còn thử làm “anh hai” với cách hát đặc trưng “Hò ơ…” Nam bộ trong “Dáng đứng Bến Tre”. Khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và được kết lại bằng “Hà Nội – Huế - Sài Gòn”. Dàn dây và nhạc cụ dân tộc được sử dụng một cách triệt để như sáo, đàn tranh, đàn thập lục… tạo một không gian cổ điển nhưng vẫn tươi mới.
Một khách mời đặc biệt trong liveshow là ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Đây là lần đầu tiên, Trọng Tấn và nữ ca sĩ hát song ca cùng với nhau trên sân khấu chùm ca khúc “Ngày anh đến”, “Hãy đến với em”, “Trăng lưỡi liềm”. Khi chuyển sang nhạc trẻ, được phối theo phong cách semi pop, Trọng Tấn bất ngờ cũng rất… hợp. Cách hát của anh uyển chuyển hơn, không hào hùng mà mềm mại, nhiều khi còn làm nền để tôn giọng bạn diễn.
Trọng Tấn - Hồ Quỳnh Hương |
Còn với Hồ Quỳnh Hương, dù đã lâu chưa trở lại các sân khấu âm nhạc nhưng chị vẫn giữ nguyên phong độ. Chất giọng khàn mà ấm, đầy nội lực được bung ra, kết hợp với Trọng Tấn khiến khán giả vỗ tay không ngớt. Song có lẽ, Trọng Tấn và Hồ Quỳnh Hương không có nhiều thời gian để luyện tập với nhau nên nhiều đoạn hòa ca vẫn còn khá vênh. Dù vậy, Trọng Tấn đã làm rất tốt khi chuyển sang một thể loại nhạc xa lạ với chính anh.
Ở phần kết của chương trình, Trọng Tấn thể hiện “Mùa xuân gọi”, “Khát vọng”, “Bài ca không quên” như một lời chào sân đầy ấn tượng. Từ đầu đến cuối chương trình, giọng hát của Trọng Tấn vẫn rất ổn định, vẫn giữ được nội lực những lúc lên cao, vẫn có sự uyển chuyển khi xuống thấp. Dù vẫn có những điểm chưa hoàn hảo nhưng nhìn một cách tổng thể, đây là một liveshow rất đáng nghe. Khán giả có thể bỏ qua những hiệu ứng hình ảnh trên sân khấu, mà có thể nhắm mắt để chìm vào dòng cảm xúc.
Trọng Tấn vẫn thể hiện được đẳng cấp của chính mình, không chỉ khi anh hát nhạc đỏ mà còn ở những dòng nhạc khác như dân gian, nhạc trẻ. Cũng hiếm có liveshow nào của một ca sĩ nhạc đỏ mà liên tục nhận được những tràng pháo tay không ngớt, những yêu cầu hát lại và khán giả ở lại đến những phút cuối của chương trình. Dù hơi đáng tiếc vì “Bài ca không quên” chỉ diễn ra có một đêm, song với những người may mắn được nghe Trọng Tấn hát, họ có thể mong chờ nhiều hơn vào những sự đổi mới của “Ông hoàng nhạc đỏ” trong tương lai./.