Đến năm nay, Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến do báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, vừa tròn 10 tuổi. Trong 10 năm qua, giải thưởng đã đồng hành và cổ vũ những nghệ sĩ đã có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng.
Nhiều nghệ sĩ nhắc tới cụm từ “uy tín, công khai, minh bạch” khi nói về Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến. Giải thưởng do 100 phóng viên trên toàn quốc tham gia bình chọn. Một trong điểm khác biệt nhất của giải là việc Ban tổ chức duy trì buổi kiểm phiếu công khai trước giờ trao giải.
Nhạc sĩ Anh Quân cho biết, đây là giải thưởng duy nhất mà anh kỳ vọng: “Giải Cống hiến là một giải thưởng có uy tín. Các nghệ sĩ khi nhận được giải thưởng này thì đều rất tự hào về sự đánh giá của hội đồng tuyển chọn. Giải thưởng đã góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ sĩ”.
Là một trong những người được trao giải thưởng Âm nhạc Cống hiến từ mùa giải đầu tiên (năm 2005), ca sĩ Mỹ Linh cũng đồng ý, so với mặt bằng chung của các giải thưởng ở Việt Nam hiện nay thì giải thưởng Cống hiến là một trong những giải thưởng có chất lượng nhất. Bởi, theo nhạc sĩ Quốc Trung, sự ghi nhận từ nhà báo, giới truyền thông thể hiện qua giải thưởng Cống hiến có ý nghĩa quan trọng với những người làm nghề.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo nhận xét: “Sự ghi nhận của báo giới là rất quan trọng, chắc chắn có tác dụng khích lệ người nghệ sĩ sáng tạo. Có được sự ủng hộ của báo giới thì nghệ sĩ sáng tạo tốt hơn, có lý do để tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp, tìm kiếm những sản phẩm mới”.
Trong số các nghệ sĩ, ca sĩ từng đoạt giải Âm nhạc Cống hiến, Tùng Dương dường như là người “có duyên” nhất. Tùng Dương đã 7 lần cầm cúp Cống hiến với 8 giải thưởng trong 5 năm liên tiếp. Với Tùng Dương, giải Âm nhạc Cống hiến như một người bạn đồng hành ghi nhận những cống hiến, những nỗ lực của không chỉ riêng cá nhân Tùng Dương, mà là sự ghi nhận những sáng tạo, tìm tòi, khai phá của các nghệ sĩ để thúc đẩy họ, vững tin về nghề nghiệp, về con đường mà họ lựa chọn.
Một giải thưởng mở
Trung thành với tiêu chí đề ra ban đầu, nhưng Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến trong 10 năm qua đã liên tục mở rộng các hạng mục. Từ 4 hạng mục chính trong mùa giải đầu tiên, bao gồm “Album của năm”, “Chương trình của năm”, “Nhạc sĩ của năm” và “Ca sĩ của năm”, đến nay, Giải Âm nhạc Cống hiến đã có 7 hạng mục. Ngoài 4 hạng mục vừa nêu, có thêm 3 hạng mục là: “Bài hát của năm”, "Nghệ sĩ mới của năm" và “Chuỗi chương trình của năm”.
Ông Đỗ Doãn Phương - Phó Tổng biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến năm 2015 cho rằng, chặng đường 10 năm qua đã cho thấy hướng đi đúng của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến: “Hướng đi của giải thưởng đã trúng đích. Giải thưởng cho các nhà báo bình chọn bằng các lá phiếu công tâm và công khai. Nhà báo là nghệ thuật và thị trường và cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng yêu âm nhạc. Chính tính chất của giải thưởng giúp cho nó bền vững và phát triển. Trong thời gian tới nền âm nhạc càng phát triển đa chiều thì giải Âm nhạc Cống hiến càng có cơ hội phát triển. Chúng tôi nghĩ giải thưởng luôn luôn mở và các nhân vật xuất hiện trong giải thưởng cũng luôn luôn mở”.
Giá trị lớn lao nhất của một giải thưởng là phải khích lệ được các nghệ sĩ sáng tạo ngày càng nhiều các tác phẩm có giá trị. "Giải thưởng không chỉ có tác dụng khen thưởng đối với những gì đạt được mà còn có tác dụng khích lệ. Tôi nghĩ sự nỗ lực của mình làm sao có tác phẩm tốt là một động lực. Nếu được đoạt giải thì làm sao ta phải xứng đáng với điều đó. Tôi nghĩ giải thưởng luôn luôn có giá trị của nó và bản thân cái tên Cống hiến làm cho tất cả các nghệ sĩ được đề cử tham gia giải này đều có trách nhiệm phải phấn đấu" - nghệ sĩ Trần Lập chia sẻ
Trong 10 năm qua, Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đã làm phần nào đáp ứng được điều mong đợi đó của các nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã tìm thấy ở giải thưởng này động lực để sáng tạo những sản phẩm âm nhạc đích thực.
Ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân cho rằng: “Với âm nhạc thì điều quan trọng nhất là chinh phục nó bằng khả năng của mình. Dù có bất kỳ chiêu trò PR hoặc đánh bóng tên tuổi mà mình là người nghệ sĩ mà không có tố chất và không đi được con đường dài được thì sẽ bị đào thải rất nhanh. Điều quan trọng nhất là trách nhiệm làm nghề của mỗi nghệ sĩ”.
Với cách làm nghiêm túc, công khai và minh bạch, nhiều người kỳ vọng trong tương lai, Giải Âm nhạc Cống hiến sẽ trở thành một giải Grammy của Việt Nam. Kỳ vọng này có thể còn một chặng đường khá xa để trở thành hiện thực, nhưng điều mà công chúng yêu âm nhạc và các nghệ sĩ đã thấy rõ là Giải Âm nhạc Cống hiến đã khẳng định được thương hiệu "uy tín, công khai, minh bạch" của mình trong 10 năm qua./.