Tối 24/4, "Con đường âm nhạc - NSƯT Phạm Phương Thảo" đã diễn ra đầy thăng hoa tại Cung Hữu Nghị, Hà Nội. Rất đông khán giả đến xem khiến Phạm Phương Thảo rất xúc động. Nhiều khán giả khi thấy Phạm Phương Thảo diện các bộ áo dài rất đẹp và lộng lẫy, nhiều khán giả còn gọi lớn: “Hoa hậu Phạm Phương Thảo”. Phạm Phương Thảo đã thực sự có một đêm diễn trọn vẹn và đủ đầy hạnh phúc.
Trước khi diễn ra liveshow, Phạm Phương Thảo cho biết được là khách mời của "Con đường âm nhac" là một vinh dự nhưng cũng đầy áp lực, cô sẽ cố gắng làm thật tốt để không phụ lại sự tin yêu của khán giả. Và quả thực, Phạm Phương Thảo đã làm được. Chỉ trong vòng 90 phút đồng hồ diễn ra, nhưng Phạm Phương Thảo đã nói lên được “Khúc tâm tình” với ý nghĩa xuyên suốt là tình yêu và lòng biết ơn. Khán giả đã cảm nhận được khá đủ đầy con đường âm nhạc của cô cùng những dấu ấn đáng nhớ, những tâm tư, trăn trở mà dạt dào cảm xúc, chan chứa tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống.
Chọn “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (Nguyễn Văn Tý) mở đầu đêm nhạc, Phạm Phương Thảo muốn người yêu nhạc cảm nhận được tình cảm cũng như sự thay đổi trong giọng hát của cô. Đây chính là ca khúc đã giúp Phạm Phương Thảo ghi dấu ấn tại Sao Mai 2003 giúp cô giành giải “Ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn”.
Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ ở Sao Mai, Phạm Phương Thảo cho biết: “Thảo có một giấc mơ rất tuyệt vời khi đến với giải Sao Mai tại Quảng Ninh, đó là mơ mình được giải ca sĩ đươc yêu thích nhất. Khi đó BTC còn chưa công bố là có giải này. Đến chung kết xếp hạng, BTC công bố giải thưởng này và Thảo thấy rất tự tin vì mình đã mơ giấc mơ đó, Thảo gọi điện về cho mẹ bảo là mẹ ơi con sẽ được giải thưởng là ca sĩ được yêu thích nhất. Mẹ nói với Thảo, nếu con được thì đó là giải thưởng tuyệt vời nhất, khán giả bình chọn con sẽ yêu thương đồng hành cùng con trong suốt chặng đường nghệ thuât.Và điều đó đã trở thành hiện thực khi đêm chung kết xếp hạng, Thảo được xướng tên. Lúc đó Thảo đứng yên không biết hiện thực hay đang lẫn lộn với giấc mơ, mãi đến khi mọi người giục Thảo mới tỉnh ra để bước lên sân khấu”.
Sau 20 năm, vẫn là một chất giọng cao, khỏe, trong nhưng giọng ca xứ Nghệ đã đằm hơn, sắc hơn, đậm sự trải nghiệm. Nghe nữ NSƯT hát “Bài ca thống nhất”, “Nguyên vẹn trong tim anh” thấy được cả sự chất chứa tình cảm lẫn kỹ thuật điêu luyện,
Nếu như phần 1 chương trình tái hiện con đường âm nhạc của ca sĩ Phạm Phương Thảo thì phần 2 lại khắc họa chân dung một nữ nhạc sĩ đa tài, không ngại khó khi dấn thân vào con đường sáng tác âm nhạc mang âm hưởng dân gian. Những sáng tác mà Phạm Phương Thảo đưa vào chương trình nhằm khắc hoạ một chân dung nhạc sĩ Phạm Phương Thảo đem đến rất nhiều xúc cảm cho khán giả và cả sự ngưỡng mộ đối với một người sáng tác trẻ sớm định hình một bản sắc âm nhạc riêng biệt, độc đáo, rất Việt Nam, khó tìm được một người tương tự ở thời điểm này.
Trong chương trình, NSƯT Thanh Lam đã dành những lời khen chân tình đến Phạm Phương Thảo rằng cô sáng tác rất hay, rất Việt Nam. Vẻ đẹp Việt Nam ở các sáng tác của Phạm Phương Thảo hay không chỉ bởi các chất liệu âm nhạc truyền thống đa dạng, phong phú, mà còn là cách sử dụng tài tình những nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán thân thuộc… mà người Việt nào cũng thấy gần gũi với mình. Đó là những câu đồng dao, những câu ru à ơi thân thương… Chính vì thế, nên sau khi hát “À ơi ngày thơ”, Thanh Lam – Trọng Tấn đã cùng hoà giọng lại cho khán giả một câu tưởng như rất bình thường nhưng hai nghệ sĩ lại thấy rất “đắt” trong ca khúc, đó là câu “à ơi” khiến khán giả như được trở về ngày thơ ấu. Với “À ơi ngày thơ”, Phạm Phương Thảo cho biết, đây là bài hát cô dành dành tặng cha mẹ, người thân của mình như lời biết ơn đối với họ.
Cùng với “À ơi ngày thơ”, Thanh Lam, Trọng Tấn cũng thể hiện những sáng tác tiêu biểu của Phạm Phương Thảo. “Ơn mẹ thiên nhiên” qua giọng hát của Trọng Tấn cho khán giả thấy cách nhìn nhận, suy nghĩ sâu sắc trong thế giới quan Phạm Phương Thảo. Trong khi đó Thanh Lam lại khiến cả khán phòng bùng nổ với “Hát đồng dao” – ca khúc táo bạo tiêu biểu cho nhân sinh quan của nữ nghệ sĩ sinh năm 1982. Những ca từ sắc hơn dao như “cô em áo ướt ngửa mình ra phơi” có lẽ chỉ có ở sáng tác của Phạm Phương Thảo và quả thật khó có ai thể hiện hợp hơn Thanh Lam, một cá tính nồng nàn, bốc lửa trong âm nhạc Việt Nam.
Phạm Phương Thảo chia sẻ, cô gửi gắm tác phẩm đến hai người đàn anh, đàn chị là khách mời của chương trình, bởi Thanh Lam, Trọng Tấn là đồng nghiệp trong nghề, “nhưng cũng có thể xem như người thân, luôn yêu thương Thảo vô điều kiện” - đây cũng là một sự giàu có của Thảo, là giá trị quan mà Phạm Phương Thảo hướng tới.
Từ những thành công đó trong sự nghiệp sáng tác, phần 3 của chương trình tiếp tục là một điểm nhấn vô cùng thăng hoa với một “nhạc sĩ Phạm Phương Thảo” đầy cá tính, ấn tượng và riêng có. Lần này, Phạm Phương Thảo không trình diễn “Gái Nghệ” mà ca khúc đã được chuyển thể sang nghệ thuật múa bởi biên đạo NSND Phạm Anh Phương, chuyển soạn âm nhạc Cao Xuân Dũng. Sự kết hợp hài hòa giữa giọng ca Phạm Phương Thảo và phần múa khi “sắc như dao” khi “mềm như lụa” khiến khán giả trầm trồ.
Kết thúc chương trình, Phạm Phương Thảo khiến khán giả ra về mà không thể ngừng nghĩ về cô khi lần đầu tiên trình diễn sáng tác mới “Tài sắc đa đoan”. Ca khúc về người phụ nữ tài sắc nhưng trầm nổi đường trần, duyên tình, và dù có bất cứ sự đa đoan nào vẫn vô cùng kiêu hãnh trước cuộc đời này.
Chia sẻ sau chương trình, Phạm Phương Thảo xúc động nói: “Tài sắc đa đoan là ca khúc tôi viết dựa trên chất liệu và làn điệu dân ca Ví, Giặm pha chút Xẩm Nghệ. Ngay khi nhận lời tham gia “Con đường âm nhạc”, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó mới nhưng phải đúng là mình. Cùng lúc được tặng bài thơ cùng tên, có lẽ đó cũng là nhân duyên, là cái cớ cho sự ra đời của tác phẩm. Tôi rất hạnh phúc vì hiệu ứng của khán giả dành cho “Tài sắc đa đoan” ngay lần trình diễn đầu tiên. Ca khúc với nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi nhận ra khán giả đau cùng mình, thương mình rồi lại kiêu hãnh cùng với nhân vật”.
Nói về các sáng tác của Phạm Phương Thảo, MC Mỹ Vân đã nhận xét: “Thảo rất đa tài, cây bút sắc sảo, đáo để, không phải cô gái quê chân chất mà táo bạo”. Bản thân Phạm Phương Thảo cũng thừa nhận: “Thảo có thế giới nội tâm cuồn cuộn đôi khi rất khó kiểm soát. Thảo biết ơn ông trời vì thế giới nội tâm đó giúp Thảo không ngừng thăng hoa, cống hiến trong nghệ thuật. Có người bảo Thảo yếu đuối, lãng mạn, có người lại bảo đáo để, đanh đá. Phạm Phương Thảo ngày hôm nay càng lãng mạn hơn, muốn dâng hiến hơn”./.