Qua 15 năm triển khai sâu rộng trong thực tiễn, Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã có tác động to lớn, nhiều mặt đến đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế ở nước ta, trong đó góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh mới, việc bảo tồn và phát huy bản sắc-hệ giá giá trị văn hóa dân tộc là cần thiết và cấp bách đối với sự phát triển xã hội nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Giai đoạn mới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin bùng nổ, nền kinh tế vận hành theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp mới trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng với thành quả sau gần 30 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, con người Việt Nam phát huy được những đức tính tốt, nhanh nhẹn, cởi mở, thích ứng với cơ chế thị trường nhưng cũng bộc lộ những tính cách chưa tốt như thực dụng, thích khoa trương. Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống đang tác động đến đời sống tinh thần của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam với một hệ giá trị mới vừa phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Đây là vấn đề cốt lõi. Đồng thời vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Lý giải cho hiện tượng chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ đang ngày càng có xu hướng gia tăng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do những cú sốc văn hóa. Những cú sốc này xuất hiện từ sự hội nhập toàn diện quá nhanh chóng từ bên ngoài, kéo theo đó là những hành vi lệch chuẩn trong đời sống xã hội. Những hành vi này cũng có tác động tiêu cực đến quan niệm, cách suy nghĩ và lối sống của con người Việt Nam.
“Những giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại chưa hình thành rõ nét hoặc đang trong thời kỳ định hình thiếu trải nghiệm thực tế, nhiều quan niệm giá trị đang chỉ hình thành trong lý thuyết cần thực tế chứng minh tính ưu việt và đúng đắn của nó. Nhiều hệ giá trị truyền thống không còn phù hợp với bối cảnh của thời đại đang dần bị đào thải và mất đi”. – Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói.
Chính vì vậy việc đi tìm hệ giá trị văn hóa Việt Nam; cấu trúc, phân loại hệ giá trị văn hóa; sự chuyển đối giá trị trong văn hóa Việt Nam; bảo tồn hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là những vấn đề cần thiết được nghiên cứu để tạo cơ sở định hướng từ đó đề ra chính sách đúng đắn cho sự phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nghiên mới. Đây cũng là những đóng góp thiết thực vào việc bổ sung, hoàn thiện nghị quyết về văn hóa của Đảng trong thời kỳ mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết văn hóa là một khái niệm rất rộng nhưng cái căn cốt, tinh hoa của văn hóa là hệ giá trị của nó. Hệ giá trị sẽ quy định chuẩn mực cho con người trong xã hội cần phải hành động như thế nào. Hệ giá trị qui định tập quán, thói quen, dư luận của xã hội và tiến tới qui định cả giá trị luật pháp.
CònTheo PGS.TS Lê Thanh Bình, Vụ trưởng, Học viện Ngoại giao, có thể xây dựng một bộ tiêu chí của hệ giá trị vừa kế thừa được các tiêu chí trước đây, vừa phù hợp điều kiện đất nước hôm nay và phù hợp với xu thế của thế giới, thời đại. Bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa phổ quát chung cho toàn xã hội: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, khiêm. Đối với những người có vị trí lãnh đạo thì ngoài hệ tiêu chí phổ quát cần thêm: Tâm đẹp, tầm xa, tuệ sáng, tài cao, trách nhiệm, vì dân vì nước, trình độ văn hóa quốc tế.
Hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có sự biến đổi mạnh mẽ trong toàn cầu hóa. Đổi mới, hội nhập có độ chênh nhất định giữa giá trị văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa hiện đại. Cốt lõi của giá trị văn hóa Việt Nam là con người và cốt lõi của con người là nhân cách. Vì thế văn hóa trong giai đoạn mới cần có chiến lược xây dựng con người, xây dựng nhân cách với những chuẩn mực giá trị vừa truyền thống vừa hiện đại phù hợp với bối cảnh mới.
Quá trình thực hiện chiến lược của Đảng về văn hóa đã trải quá hành trình phát triển 15 năm. Đất nước cũng đã vượt qua chặng đường gần 30 năm đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cũng đã hội nhập toàn diện và sâu sắc hơn về kinh tế, xã hội. Vì vậy việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận thực tiễn và con người, hình thành nên hệ giá trị chuẩn mực về văn hóa, về con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng liên quan đến nhận thức của chúng ta về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển./.