img_0095_qmxh.jpg
Tối 7/1 tại rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hà Nội), vở cải lương "Hừng Đông" đã có buổi công diễn thành công. "Hừng đông" là tác phẩm chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 12, do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, nghệ sĩ Triệu Trung Kiên đạo diễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.
Tác phẩm mở màn bằng màn trình diễn của nhóm nhạc trẻ 9X - những người dẫn dắt câu chuyện từ hiện tại về quá khứ. Lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1923-1940, vở diễn tái hiện lại trên sân khấu cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. 
Câu chuyện bắt đầu khi Phan Đăng Lưu trên đường về thăm nhà ở Yên Thành, Nghệ An, chứng kiến cảnh tượng đau lòng, một phu kéo xe bị thực dân Pháp đánh chết trên đường phố, để lại hai con thơ.

Là một viên chức trong bộ máy thực dân, Phan Đăng Lưu nhận ra mình đã mù quáng khi đổ mồ hôi làm giàu cho bè lũ xâm lăng. Bấy lâu nay, thực dân Pháp đem súng ống, lưỡi lê giày xéo quê hương, gieo bao thảm họa.
Căm giận trước tội ác thực dân, Phan Đăng Lưu  nhận thấy cần phải khai thông cho nhân dân - những người lòng yêu nước có thừa, chí quật cường chẳng thiếu, nhưng cái thiếu nhất là chưa tìm ra con đường cứu nước. Phan Đăng Lưu gặp gỡ đồng chí Trần Phú, được kết nạp vào Hội Phục Việt.
Phan Đăng Lưu gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, được tìm hiểu về Nguyễn Ái Quốc và quyết đi theo con đường cách mạng của Người.
Trong khi đó, phủ Toàn quyền Pháp nhận thấy Phan Đăng Lưu là chiến sĩ cách mạng yêu nước cần phải thủ tiêu nên đã tìm mọi cách để đưa ông vào chốn ngục tù. 
Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng trước khi xuống tàu sang Quảng Châu (Trung Quốc). Ông cùng với 60 Đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng bị đưa ra xét xử và bị kết án 3 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột.
Tại đây, thực dân Pháp dùng nhiều nhục hình tra tấn dã man tù chính trị. Nhà tù Buôn Ma Thuột được ví như "địa ngục trần gian", nơi coi tính mạng tù nhân như cỏ rác với những nhục hình như thời trung cổ.
Ở tù, ông vẫn tích cực hoạt động, vận động anh em học tiếng Êđê để thực hiện công tác binh vận, viết báo gửi ra ngoài tố cáo chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Vì vậy đã bị tăng án lên 5 tù khổ sai, cấm cố tại xà lim, bị liệt vào "loại nguy hiểm".
Đan xen giữa vở kịch là những đoạn chơi nhạc của các bạn trẻ 9X. Tiếng kèn harmonica vang lên bài "Bèo dạt mây trôi" khi một chiến sĩ cách mạng người Êđê vừa ra đi khiến người xem vô cùng xúc động.
Thực dân Pháp như "ngồi trên đống lửa" khi càng ngày càng có nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng.
Chúng quyết tâm truy lùng và bắt gọn những chiến sĩ yêu nước của ta, trong đó có Phan Đăng Lưu.
Tháng 9/1939, Phan Đăng Lưu được điều động vào Nam Kỳ hoạt động và được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ.
Tháng 11/1940, tại Đình Bảng, Bắc Ninh, ông chủ trì Hội nghị Tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường gọi là Hội nghị Trung ương 7. Tại Hội nghị, ông được đề cử làm Tổng Bí thư, nhưng ông không nhận, vì cho rằng mình cần về miền Nam.
Phan Đăng Lưu về qua quê nhà, con trai đã lớn, nhưng ông cũng không có cơ hội gặp lại vợ con.
Thực dân Pháp thẳng tay đọa đày những người tù chính trị, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tra hỏi thời gian diễn ra Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Phan Đăng Lưu quay trở lại miền Nam để hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, theo quyết định của Hội nghị Trung ương, trên đường về Nam ông đã bị mật thám Pháp bắt vào đêm 22/11/1940 tại Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương về việc hoãn khởi nghĩa, thì cuộc khởi nghĩa Nam Kì đã nổ ra ngày 23/11/1940.
Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) do Xứ uỷ Nam Kỳ chuẩn bị và lãnh đạo không thành công. Thực dân Pháp đã dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu.

Ngày 26/8/1941, Phan Đăng Lưu bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định. Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do.
Vở diễn kết thúc bằng khúc ca bi tráng của các bạn trẻ trong nhóm nhạc HUB. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: "Hừng Đông" ra mắt công chúng trước thềm Đại hội 12 của Đảng nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ở một giai đoạn khó khăn, máu lửa của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lời tri ân, lời hứa của thế hệ hôm nay nguyện sống, phấn đấu, lao động, học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".