Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Hoa tay thảo từng nét/Như phượng múa rồng bay"… Những câu thơ luôn khiến cho người nghe bồi hồi xúc động, nhớ về một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đó là tục xin chữ cầu may đầu năm mới. 

Đây được xem là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, tưởng chừng có lúc bị lãng quên, nhưng nay lại được hâm nóng lại bởi sự nô nức của người người, nhà nhà rủ nhau đi xin chữ cầu một năm mới an lành hạnh phúc. Và nét đẹp đó còn len lỏi đến tận những làng quê của Việt Nam.

Những ngày đầu Xuân này, nhà cụ đồ Đào Văn Thoả - ở thôn Quang Trung, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại đông vui, nhộn nhịp bởi người dân trong làng ngoài xã nô nức đến để xin chữ và xin câu đối đầu năm. 

cu-thoa.jpg
Cụ Thỏa lý giải từng nét chữ cho người xin chữ (Ảnh: Giáo dục và thời đại)

Dù đã bước sang tuổi 100, nhưng cụ Thoả vẫn còn minh mẫn, đặc biệt nét chữ vẫn còn rất đẹp và thanh thoát. Nhiều người đến xin chữ cụ để có một bức tranh chữ treo trong nhà ngày Xuân, còn nhiều người xin chữ cụ vì muốn hiểu nghĩa của chữ và học cụ những đức tính tốt đẹp để răn dạy con cháu.

Ông Bùi Quang Huy, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư cho biết "Chữ của cụ Thỏa viết rất đẹp, rất có ý nghĩa. Khi viết chữ, cụ đều giảng giải ý nghĩa của chữ nói lên điều gì. Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đến đây xin chữ của cụ để cầu chúc cho năm mới an lành, may mắn".

Cụ đồ Thoả không chỉ nổi tiếng khắp vùng bởi thâm niên trong viết chữ Nho, mà còn bởi khả năng viết chữ uyển chuyển như rồng bay phượng múa, thể hiện khiếu thẩm mỹ cũng như văn hoá của người cho chữ. Vì thế, cụ đã từng được mời lên dịch và viết lại câu đố trên một số bức hoành phi ở chùa Quán sứ - Hà Nội để thợ mộc, thợ nề khắc chạm lại.

Đến nay, cụ Thoả không nhớ nổi đã viết bao nhiêu câu đối cho các đình chùa, miếu, từ đường và có bao nhiêu con chữ cụ viết cho người dân đến nhân dịp Tết đến Xuân về, nhưng cụ vẫn nhớ rất rõ ý nghĩa của từng chữ mà cụ cho đi, từ đó giảng giải cho người xin chữ trước khi đặt bút viết và căn dặn trước khi họ ra về.

Trong cuộc đời, cụ tâm đắc nhất vẫn là viết Đức" và chữ "Tâm". "Đối với con người thì Tâm người ta là quý nhất. Nếu lương tâm anh mà tốt thì anh làm được việc phúc đức, việc tốt, nên tôi thích nhất là chữ Tâm thể hiện lòng con người" – cụ Thỏa nói.

Một chữ cho đi đồng nghĩa với việc cụ Thoả luôn mong những điều tốt đẹp đến với người xin chữ và mong muốn người chơi chữ xứng đáng với loại chữ thánh hiền mà cụ viết cho. Với ý nghĩa rất nhân văn như vậy, cụ đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hoá trong đời sống của miền quê Vũ Vân.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư cho biết: "Tục cho chữ và xin chữ ở Vũ Vân đã có từ lâu và hiện nay, cụ Thoả là một trong những người viết chữ Nho rất đẹp, có ý nghĩa và nhiều người đầu Xuân vẫn đến xin chữ của cụ. Đây là nét đẹp văn hoá cần được giữ gìn và phát huy".

Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, thì đâu đó hoạt động xin chữ năm mới có phần bị “biến tướng” - khi mà người chơi chữ đa phần chạy theo trào lưu ồ ạt mà không mấy để ý đến ý nghĩa đích thực của việc xin chữ đầu năm, còn nhiều ông đồ cho đó là “nghề kiếm sống”.

Vì vậy, việc gìn giữ nét đẹp văn hoá của tục xin chữ của cụ đồ Thoả là một điều rất đáng trân trọng, nó nhân lên nét đẹp văn hoá, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hóa Việt./.