Cứ mỗi độ xuân về, người Việt lại đi xin chữ lấy may đầu năm. Đây là nét văn hóa thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cầu may mắn, tài lộc, phúc thọ.

Tâm thế của người đi xin chữ và tâm thức của ông đồ-người cho chữ được đề cao.

Bởi vậy vài ngày qua, hình ảnh những ông đồ vội vội vàng vàng ôm đồ nghề giấy bút trốn chạy lực lượng an ninh khu vực ở vỉa hè Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm vương vãi hiện trường những tờ chữ Nhân, Lễ, Nghĩa…khiến người đến xin chữ không khỏi ngỡ ngàng, người am tường văn hóa thì xót xa.

1390311558-ong-do-chay-cong-an-phuong-01--23-.jpg
Người xin chữ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những ông đồ ôm giấy bút bỏ chạy. (Ảnh khampha.vn)

Nguồn cơn của việc này là chỉ đạo của Sở VHTT&DL Hà Nội, Xuân Giáp Ngọ 2014 “Phố ông đồ” sẽ được chuyển vào khu vực hồ Văn trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thay vì diễn ra trên vỉa hè áp sát khu di tích như mọi năm.

Lý do là bởi “phố ông đồ” vài năm nay hình thành tự phát bên ngoài tường khu di tích Văn Miếu “gây mất mỹ quan”, “ảnh hưởng đến giao thông đi lại”, vì “nó chưa đẹp thì các cấp chính quyền mới yêu cầu phải dẹp”(!)

Nhắc đến ông đồ, chúng ta lại nhớ đến những câu thơ của Vũ Đình Liên trong bài “Ông đồ”. Bài thơ bày tỏ sự đau xót trước sự lạc lõng giữa thời cuộc, sự mai một của những vẻ đẹp tài hoa một thời nay chỉ còn vang bóng, thương cảm cho một giá trị tinh thần sắp mai một. Đó là những ông đồ - “di tích tiều tụy của một thời tàn” như chính tác giả đã thừa nhận khi xót xa trước sự suy vong của nền Nho học đầu thế kỷ XX.

Từ buổi thoái trào của thư pháp qua cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay” trong thơ Vũ Đình Liên cho đến nay, có thể nói, nghệ thuật thư pháp Việt đã có những cuộc cách tân đổi mới và hồi sinh ngoạn mục.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua...

Có gì đáng quí hơn một nét văn hóa cao quí tưởng như đã mai một nay lại được nhân dân tự nguyện tìm lại để hình thành tự phát một phố ông đồ? Sao không dành một đoạn phố bên hông Văn Miếu làm phố đi bộ để tạo điều kiện cho nhân dân được thỏa mãn nhu cầu văn hóa? Có nhất thiết vì nó chưa đẹp nên phải dẹp?

Hãy nhìn "phố ông đồ" ở TP HCM năm nay. Họ không có khung cảnh tuyệt đẹp như Văn Miếu, nhưng chính quyền đã trang trí hoa mai và những tiểu cảnh mang đậm phong vị ngày tết và tạo mọi điều kiện cho nhân dân sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Người dân TP HCM nô nức đi chơi "phố ông đồ" ngập tràn sắc vàng hoa mai. (Ảnh VNExpress)

Cứ nhìn những chùm ảnh nhân dân TP HCM nô nức đi chơi "phố ông đồ" rồi nhìn về Hà Nội với những hình ảnh ông đồ ôm giấy bút chạy trốn lực lượng trật tự, rồi nhìn sang dãy ki-ốt trống không mà thấy một nỗi buồn trĩu nặng.

Tủi thân cho văn hóa và tủi phận những ông đồ lén lút cho chữ trên vỉa hè.

Trách nhiệm của Sở VHTT&DL là phải tạo điều kiện cho nhân dân thực hành văn hóa một cách văn minh và làm sao giúp mở rộng, phát huy những nét văn hóa bản sắc tốt đẹp.

Tuy nhiên, việc Sở qui hoạch một “phố ông đồ” mới bên trong hồ Văn chật chội với chỉ 36 ki-ốt khung sắt, mỗi ki-ốt phải thuê giá 5 triệu và sẽ chỉ có 72 ông đồ được cấp thẻ “hành nghề” năm nay đã vô hình chung thu hẹp qui mô và yếu tố văn hóa và biến nó thành một hoạt động thương mại thực sự. Trong khi trung bình mỗi năm có hàng trăm ông đồ từ khắp nơi đổ về đây.

“Phố ông đồ” tự phát ở vỉa hè Văn Miếu từ lâu không chỉ là nơi xin-cho chữ, mà còn là nơi những người yêu thư pháp, đam mê văn chương và yêu văn hóa hội ngộ giao lưu và khoe bút lực sau một năm miệt mài luyện tập.

Họ đã cùng nhau làm được một việc lớn: Đó là “tự phát”, tự nguyện tái hiện lại một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, làm sống dậy một biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hoá dân tộc.

Với một số lượng lớn ông đồ và người yêu thư pháp thì khu vực hồ Văn trong Văn Miếu sẽ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Quan trọng hơn là những sự cưỡng ép về văn hoá thường không mang lại hiệu quả. Nó làm ta liên tưởng đến những cái chợ mới không người, những khu tái định vắng vẻ…

Vỉa hè vắng vẻ do các ông đồ bị lực lượng trật tự "truy quét"

Các ông đồ năm nay sẽ phải vào ngồi trong ki-ốt và phải có thẻ hành nghề. Những ai thiếu thông tin, đến muộn không kịp đăng ký thẻ, hoặc vì không đủ tiền để thuê chỗ mà vẫn tiếp tục cho chữ trên vỉa hè sẽ bị lực lượng trật tự an ninh khu vực thẳng tay truy quét, cưỡng chế như đối với các hàng quán bán rong.

Điều đáng nói là Sở VHTT&DL Hà Nội đã nhận thấy những bất cập của việc thu hẹp qui mô hoạt động văn hóa này nhưng Phó giám đốc Sở Trương Minh Tiến khẳng định sẽ tiếp thu và cải tiến khâu tổ chức trong những năm sau, riêng năm 2014 kiên quyết không cho phép ông đồ viết chữ trên vỉa hè Văn Miếu vì "giờ đã cận Tết, việc thay đổi quyết định là không thể”.

Vậy là vào những ngày cuối năm, người dân lại tiếp tục chứng kiến một quyết định thiếu sáng suốt, được thực hiện “đúng qui trình” một cách cứng nhắc.

 Những ki-ốt của "phố ông đồ" mới cũng vắng tanh.

Chỉ có điều, những ki-ốt được qui hoạch vẫn vắng tanh bởi người dân vẫn thích được "tuỳ duyên" xin chữ những ông đồ trên vỉa hè quen thuộc. Tiếc rằng: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”./.