Lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận năm 1986 như một mốc son đánh dấu bước ngoặt của văn học nửa cuối thế kỷ 20. Nhìn lại gần 30 năm đổi mới, nền văn học Việt Nam trong bước chuyển mình của xã hội đã có nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975, với những góc nhìn mới, mang dấu ấn thế hệ, tiếp cận đời sống đầy đủ, sung mãn.
Được hậu thuẫn bởi bối cảnh lịch sử, văn hóa thời kỳ đổi mới, ý thức sáng tạo và con đường đến với hiện thực cũng thay đổi qua sự nỗ lực cách tân và tìm tòi không ngừng của đội ngũ viết văn trưởng thành sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Theo PGS.TS Hồ Thế Hà, Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế thì trong xu thế đổi mới, dân chủ hóa, giao lưu và hội nhập, tiếng nói của giới sáng tác ngày càng rộng mở hơn, tạo nên sự sinh động cho đời sống phê bình văn học: “Đó là sự đổi mới tư duy trên cơ sở sự đổi mới của đời sống xã hội. Khi đó văn học có điều kiện để nói lên tiếng nói tự do, tiếng nói dân chủ của mình để hướng mọi mục tiêu tốt đẹp của văn học vào việc phản ánh toàn bộ hiện thực đời sống con người bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ, vì con người. Vì vậy nền văn học ấy theo tôi dù đổi mới nhưng vẫn đồng nghĩa với sự nhân văn”.
Tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" được xem là một tác phẩm đỉnh cao của văn học thời kỳ đổi mới. |
Từ những tác phẩm đầy tính dự cảm của Nguyễn Minh Châu, nền văn học Việt Nam sau năm 1975 chứng kiến nhiều tác phẩm mới đi sâu vào hiện thực cuộc sống, số phận con người ở nhiều chiều cạnh. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn đình đám mà dấu ấn đầu tiên là Tướng về hưu đã trở thành một sự kiện của văn học thời kỳ đổi mới. Tiếp đến là Phạm Thị Hoài với Thiên sứ, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn, Sự mất ngủ của lửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những tác phẩm mang cái nhìn khác trước về đời sống, cách viết vượt ra khỏi những nguyên tắc và cấu trúc truyền thống. Trong nội dung phản ánh, đã bớt dần Ta – Địch, chỉ có con người với những mẫu thuẩn phức tạp của cuộc sống, cái tôi bản ngã bên trong. Nhiều tác phẩm văn học đã khuấy động lên những vấn đề của thời kỳ đổi mới về kinh tế, những thay đổi về đạo đức xã hội bằng thái độ phân tích tỉnh táo và phê phán quyết liệt.
Đánh giá về thành tựu của văn học đổi mới, Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá nói: “Thành tựu lớn nhất là thay đổi về quan niệm, về con người, về đời sống. Theo đó là một lối viết hoàn toàn khác trước, cho nên họ có những tên tuổi lớn và tác phẩm lớn. Họ đã chuyển từ mỹ học thời chiến sang mỹ học thời bình, từ một mỹ học nhằm ca ngợi cuộc kháng chiến, đi theo hiện thực chủ nghĩa đã chuyển sang một hệ mỹ học thời bình tức là quan tâm đến số phận con người, quan tâm đến những giá trị phổ quát toàn nhân loại, quan tâm đến sự tra vấn và đối thoại với hiện thực”.
Ở giai đoạn này còn có sự hiện diện của không ít cây bút nữ, mang đến một sức sống mới, bằng sự mẫn cảm nữ giới. Nhà phê bình Văn học Chu Văn Sơn chia sẻ: “Nếu Phạm Thị Hoài gây ấn tượng với tiểu thuyết Thiên sứ và tập truyện ngắn Mê lộ thì Y Ban khẳng định tên tuổi với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và tập truyện Người đàn bà có ma lực, Võ Thị Hảo tạo tiếng vang lớn với Biển cứu rỗi…Đội ngũ người sáng tác nữ trên cả 2 mảng chính là thơ và văn xuôi thì đều là những người có tác động lớn đến tiến trình đổi mới và vừa là những cây bút sáng tạo ra những giá trị thơ ca, văn xuôi của giai đoạn này có những gương mặt tiêu biểu”.
Các nhà văn thế hệ từ 1975 đến nay đã trở thành bộ phận chủ lực của văn học đổi mới. Những tên tuổi như Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái…đã góp phần trong việc định hình một giai đoạn văn học đầy sôi động. Nếu như thế hệ nhà văn chống Mỹ đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm trước lịch sử thì thế hệ nhà văn sau năm 1975 tạo nền tảng cho một nền văn học mới, với hi vọng về sự chuyên nghiệp và kết tinh hơn nữa, xứng đáng hơn với yêu cầu đổi mới của thời đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới vẫn còn những hạn chế chưa thể khắc phục, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của bản thân mỗi nhà văn nhằm bắt kịp tư tưởng nghệ thuật hiện đại trên thế giới cũng như tính hiện đại trong nội sinh văn hóa dân tộc, làm nên sự tương tác để tạo ra không gian đổi mới, tạo ra những thành tựu vượt bậc, tiếp tục làm rạng rỡ hơn nữa nền văn chương nước nhà./.
Khi giới showbiz thành... nhà văn?