"Đêm hoàng cung" gồm 2 phần, phần 1 giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam như cách thực hiện trang phục, đạo cụ, hóa trang của nghệ sĩ… Qua đó du khách có thể trải nghiệm với trang phục hóa trang của các vai vua, hoàng hậu cùng các nhân vật trong những trích đoạn tuồng. 
Phần 2 là chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng truyền thống trong hoàng cung xa xưa. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục nổi tiếng như: Múa cờ, trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, Múa lân, Lân mẫu xuất Lân nhi; Liêm Cương thuần phục ngựa…
Để hiểu hơn về chương trình nghệ thuật truyền thống tương tác lần đầu tiên được xây dựng này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam:

P.V:Thưa nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn, từ đầu năm 2014, Nhà hát tuồng Việt Nam sẽ ra mắt chương trình nghệ thuật đặc sắc: “Đêm hoàng cung” phục vụ du khách quốc tế. Vậy ông có thể cho biết ý tưởng này được bắt nguồn từ đâu?

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn:Theo chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là đưa văn hóa gắn kết du lịch, trước sự quan tâm của Bộ và nhu cầu trực tiếp của nhà hát mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với du khách quốc tế. Do đó, nhà hát chúng tôi xây dựng một chương trình nghệ thuật tương tác để khách du lịch có thể khám phá, tìm hiểu nghệ thuật tuồng ngay từ khi bước chân vào cửa rạp.

anh-pham-ngoc-tuan.jpg

Chúng tôi đã xây dựng một mô hình sắp đặt không gian nghệ thuật như: trang phục hóa trang, đạo cụ, cách làm đạo cụ… để khán giả khi xem chương trình biểu diễn có thể cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật tuồng. Từ đó, vun đắp sự yêu mến và thích thú của du khách với môn nghệ thuật này.

Bên cạnh đó, chúng tôi muốn xây dựng rạp Hồng Hà trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế khi đến Thủ đô. Ngoài ra, chương trình cũng có tính chất quảng bá cho nghệ thuật truyền thống cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

P.V:“Đêm hoàng cung” là chương trình nghệ thuật tuồng đầu tiên có sự tương tác giữa các diễn viên với du khách, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này?

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn:Trên cơ sở các trích đoạn của tuồng truyền thống nhưng cách đặt vấn đề trong “Đêm hoàng cung” có sự đầu tư xâu chuỗi lại để làm sao có thể vừa giới thiệu các trích đoạn tuồng truyền thống; đồng thời cũng có phần giới thiệu đến trang phục, hóa trang, âm nhạc của tuồng cũng được bày trên sân khấu.

Chương trình nghệ thuật "Đêm hoàng cung" được xây dựng nhằm đưa đến cho du khác nước ngoài biết đến nhiều hơn về môn nghệ thuật truyền thống này - Ảnh minh họa (Dân trí)

Ngoài ra, ê kíp xây dựng muốn tạo ra một sự thay đổi tất cả các không gian văn hóa nghệ thuật sẽ được diễn ra trên sân khấu. Cùng với đó thì chương trình biểu diễn có phụ đề tiếng Anh và dẫn dắt của MC. Người MC sẽ là những nhân vật quan thái giám ra giới thiệu những trích đoạn, nét văn hóa của tuồng cho khán giả… Qua đó phục dựng lại một không gian nghệ thuật mà vua chúa ngày xưa thưởng thức giới thiệu đến du khách.         

P.V:Theo ông đâu là khó khăn nhất khi đưa sân khấu truyền thống nói chung và tuồng nói riêng đến với du khách quốc tế? 

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn:Rào cản ngôn ngữ là một trong các yếu tố; người làm sân khấu phải phá bỏ được điều này để làm sao nó phải là ngôn ngữ nghệ thuật chứ không phải là ngôn ngữ đối thoại thông thường. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật sẽ hấp dẫn khán giả quốc tế. Đây là một việc làm hết sức khó khăn đối với sân khấu truyền thống.

Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp du lịch cùng là một vấn đề. Hiện nay, ngoài rối nước thì ngành du lịch chưa tạo dựng một sản phẩm nào khác.

P.V:Được biết Nhà hát Tuồng Việt Nam đã làm việc với Tổng cục Du lịch cũng như một số công ty lữ hành, vậy đến nay đã có bao nhiêu công ty du lịch đưa du khách đến với Nhà hát thưa ông? 

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn:Hiện nay có khoảng hơn 10 công ty hay đưa khách đến đây, nhưng chỉ là những công ty nhỏ còn những công ty lớn thì chưa nhiều.

Một tuần chúng tôi có 2 buổi phục vụ du khách và một số buổi biểu diễn ngoài theo lịch đặt riêng. Vừa rồi, cũng có một số công ty đến đặt một số chương trình tương tác cho riêng khách công ty của mình, mặc dù chỉ có khoảng 4- 5 người xem.

Họ vừa xem nghệ thuật vừa khám phá, tương tác giữa diễn viên với khách du lịch quốc tế để trải nghiệm với nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Họ rất thích thú và coi đây là mô hình có thể giới thiệu đến du khách. 

Tới đây, chúng tôi sẽ có một hội nghị khách hàng và khách tham dự sẽ có các công ty du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kết nối với Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, để nhất trí cùng với nhà hát Tuồng Việt Nam xây dựng một chương trình, quyết định làm việc cụ thể.

Cùng với đó là đưa các công ty du lịch đến để họ xem mô hình nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng. Thông qua đó để có những chương trình du lịch đến với du khách cũng như để khán giả đến với tuồng nhiều hơn. 

P.V:Vâng xin cảm ơn ông./.