Vài năm nay công chúng không còn quá ngạc nhiên trước thu nhập khủng của một số nghệ sĩ ăn khách. Do đó, chuyện nghệ sĩ bị truy thu thuế với số tiền 700 triệu đồng hoặc 500 triệu đồng không phải điều gây bất ngờ. Đáng băn khoăn ở đây là cơ quan thuế làm sao thu đủ và thu đúng.

Để xác định nghệ sĩ phải nộp thuế thu nhập không khó khăn. Các ngôi sao ca nhạc và các danh hài hoặc các MC đắt show chỉ dừng lại ở vài chục nhân vật. Thế nhưng, thu nhập của họ rất biến ảo, có khi chỉ thỏa thuận miệng về thù lao và có khi lại ghi trên hợp đồng số tiền bằng phân nửa thực tế. Thu nhập của nghệ sĩ, từ truyền hình thực tế đến sân khấu ngoài trời, từ hội nghị khách hàng đến… đám cưới. Thậm chí, cát-xê đi… dự tiệc của nghệ sĩ cũng không thua kém cát-xê chụp ảnh hoặc quay phim quảng cáo. Nếu họ không có ý thức tự giác, nhân viên thuế sẽ cực kỳ vất vả.

thu_thue_gsys.jpg
Ảnh minh họa.

Ở các nước, nghệ sĩ trốn thuế sẽ bị phạt tù hoặc bị tẩy chay. Ở Việt Nam, tình hình chưa đến mức nghiêm trọng như vậy, vì thực tế nộp thuế và thu thuế của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập. Nghệ thuật là một nghề đặc thù, nên thu nhập cũng tùy hứng và tùy… thời. Có nghệ sĩ năm trước có thu nhập hàng tỷ đồng nhưng năm sau… trắng tay. Nghệ sĩ chưa chuyên nghiệp, chẳng mấy người có công ty quản lý để lo lắng chu đáo mọi khoản chi và mọi khoản thu. Vì vậy, rất cần thiết phải tìm ra một giải pháp hợp tình, hợp lý cho việc nộp thuế của nghệ sĩ.

Bây giờ nghệ sĩ muốn đánh bóng tên tuổi hoặc muốn hâm nóng hình ảnh, đều phải bỏ tiền ra để PR. Chi phí này có được khấu trừ vào thu nhập không? Một tiết mục biểu diễn có hàng trăm chi phí khác nhau, từ đạo cụ, trang phục cho đến lương trợ lý, lương phụ diễn… có thể khấu trừ vào thu nhập không? Để có một bài hát thuộc loại “hit” để chạy show, ca sĩ phải làm album hoặc MV nhằm tiếp thị sản phẩm, những khoản bù lỗ ấy có thể khấu trừ vào thu nhập không?

Nghệ sĩ nộp thuế nhiều hay ít là một bài toán hóc búa. Bởi lẽ có ngôi sao chỉ lóe sáng vài năm rồi rút lui mà không có nghề gì khác để mưu sinh./.