Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện có hàng trăm nhà cổ xuống cấp. Trong đó, 49 nhà cổ đối diện với nguy cơ sụp đổ và 10 di tích không thể chống chọi với mưa bão. Mỗi năm, chính quyền thành phố tiếp nhận từ 70 đến 80 hồ sơ đề nghị sửa chữa, tu bổ nhà cổ. Thế nhưng, số di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt sửa chữa chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nguyên nhân do vướng các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch và quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các di tích cấp quốc gia mà Chính phủ giao cho Bộ VH-TT&DL và Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt.

anh1_oavp.jpg Nhà Cổ Quân Thắng, số 77 Trần Phú là địa điểm thu hút du khách tham quan

Nhà cổ Quân Thắng, số 77, đường Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là di tích đặc biệt nằm trong quần thể phố cổ Hội An, Di sản Văn hóa thế giới. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Ngôi nhà là một điển hình của loại nhà trệt thông hai mặt đường, với nhiều đặc trưng kiến trúc cổ. Nhưng, từ nhiều năm qua, ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa được đầu tư trùng tu, sửa chữa. Nửa dưới của ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, khung chịu lực bị mối mọt đục khoét, vách tường mục nát, mái ngói âm dương vỡ vụn.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nhiều lần lập đề án trùng tu, nhưng chủ nhà cổ không có tiền đối ứng cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để sửa chữa. Đến khi chủ nhà có tiền thì lại vướng các văn bản, thủ tục. Hiện chủ ngôi nhà này đã chuyển đi nơi khác, chỉ còn người thân đứng ra trông coi. Bà Trần Trúc Hiền, đại diện chủ nhà cổ Quân Thắng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, mỗi khi mùa mưa bão đến, cả gia đình không ai dám đặt chân xuống nhà dưới.

 Tầng 2 của nhà cổ Quân Thắng đã im ỉm đóng để đảm bảo an toàn khi du khách tham quan

Theo Nghị định 70 của Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương lập dự án tu bổ di tích, với những Dự án tu bổ di tích cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thẩm định dự án. Trong khi đó, Nghị định 15 của Chính phủ quy định, đối với di tích cấp tỉnh trở lên, hồ sơ thẩm định phải được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế. Như vậy, một công trình trong khu phố cổ muốn trùng tu phải qua 2 Bộ thẩm tra.

Ông Trần Trung Hưng, cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, thông thường, một bộ hồ sơ từ khi có chủ trương đầu tư đến khi hoàn chỉnh các thủ tục phải mất từ 5 đến 6 tháng, trong khi việc tu bổ di tích là hết sức khẩn cấp.

Để “cứu nguy” di tích, chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tiến hành phân loại những ngôi nhà xuống cấp cần phải chống đỡ và vận động bà con tự chống đỡ. Nếu người dân gặp khó khăn về kỹ thuật, thiếu cây chống thì thành phố cho mượn. Đối với những trường hợp già cả, neo đơn thì Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện các biện pháp chống đỡ.

 Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An hỗ trợ chủ nhà cổ gia cố tạm trong khi chờ được trùng tu

Quá trình rà soát, Trung tâm kịp thời phát hiện, đưa ra cảnh báo đối với các chủ hộ có nhà bị xuống cấp nặng, để có biện pháp trú tránh bão hoặc di dời đi nơi khác trong mùa mưa bão. Trường hợp không thể chống đỡ được nữa thì tiến hành tháo dỡ để đảm bảo an toàn.

 Thiếu tiền nên các chủ hộ phải gia cố như thế này để bảo vệ cột kèo của nhà cổ

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, đối với Hội An, trên 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân nên việc tiến hành các thủ tục theo quy định của Nghị định 70 và Nghị định 15 của Chính phủ thì rất khó cho công tác trùng tu.

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL và Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế đối với quần thể di tích đô thị cổ Hội An./.