Quần thể  di tích cố đô Huế có hằng nghìn công trình lớn nhỏ ở 29 điểm di tích, trong đó một lượng lớn các di tích có kiến trúc bằng gỗ đã xuống cấp. Vì vậy, công tác bảo vệ an toàn cho hệ thống di tích  và khách tham quan trong mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp bách.

Chuẩn bị cho mùa mưa bão, các đơn vị quản lý di tích đã lên kế hoạch cho công tác bảo vệ di tích và đảm bảo an toàn cho du khách. Tại công trình tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn-Đại Nội Huế, với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, đơn vị thi công đang gấp rút thi công giai đoạn cuối. Việc bảo vệ an toàn, tránh biến dạng đối với các cấu kiện bằng gỗ của công trình trong mùa mưa bão luôn được đặt lên hàng đầu.

anh1_chong_do_di_tich_upcj.jpgDi tích Nghinh Lương Đình đang xuống cấp phải chống đỡ trong mùa mưa bão

Ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân viện khoa học công nghệ miền Trung, đơn vị thi công tu bổ di tích Ngọ Môn cho hay: “Để bảo vệ công trình vào mùa mưa bão, chúng tôi sử dụng các hệ thống giằng chống gia cường bằng các giàn giáo và các neo giữ để không ảnh hưởng đến công trình. Ngoài ra còn phải bảo vệ mái để khỏi bong tróc trong quá trình mưa bão”.

Quần thể di tích Huế phần lớn đều có cấu kiện bằng gỗ, nên thường xuyên chịu tác động nặng nề của thiên tai. Theo thống kê, hiện có khoảng 400 di tích đang ở trong tình trạng đỗ nát, hư hỏng... Nhiều di tích quan trọng như: Thái Miếu ở Đại Nội, Khiêm Cung Môn, Hòa Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức), Nghinh Lương Đình, điện Voi Ré, Hổ Quyền...đã xuống cấp. Ông Nguyễn Châu Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần tu bổ, tôn tạo di tích Huế- đơn vị đảm nhiệm tu bổ và chống đỡ di tích Huế trong mùa mưa bão cho hay: Đơn vị tập trung chống đỡ và gia cố những công trình đã hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ cao.

Di tích Ngọ Môn- Đại Nội Huế đang được trùng tu

“Trước bão chúng tôi phải chống đỡ tất cả các công trình và che chắn, đảm bảo an toàn cho du khách, không để ảnh hưởng đến mỹ quan của khu vực di tích. Riêng Điện Thái Hòa chống đỡ các chái phía tây, gia cố các hệ thống pa nô. Công trình Minh Mạng gia cố lại 2 cột của điện Xung Ân của tả hữu Tùng Viện, sửa mới bộ của của Đại Cung Môn. Ở trên Gia Long thì chống đỡ các góc chái của các liên ba, các võ cua bị sạt lở…”, ông Thiện nói.

Rút kinh nghiệm sự cố sụp đổ một phần di tích Phu Văn Lâu vào giữa tháng 5 vừa rồi. Ngay trước mùa mưa bão, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức đợt khảo sát tình hình xuống cấp của các di tích để kịp thời có giải pháp gia cường, đảm bảo an toàn cho các công trình; đồng thời tổ chức một đội cơ động gồm 60 người sẵn sàng ứng cứu tại các điểm di tích. Mùa mưa cũng là mùa đón khách quốc tế, vì vậy việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi đến tham quan di tích Huế luôn được đặt lên hàng đầu.

Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay: “Chúng tôi hết sức lưu tâm đến việc đón khách tham quan trong mùa mưa bão. Trong điều kiện theo dõi thời tiết thấy có khả năng có thể đón khách thì chúng tôi tổ chức đón khách bình thường, nhưng đến mức độ có thể nguy hiểm thì thông báo dừng đón khách. Cũng có những trường hợp cảnh báo, hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho du khách trong lúc  tham quan”./.