Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với 6 bảo tàng tỉnh, thành phố tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2014).
Trưng bày gồm 8 nhóm hiện vật: Trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, trang sức, đồ minh khí…đã phần nào cho thấy diện mạo đời sống xã hội của cư dân Đông Sơn từ hơn hai ngàn năm trước.
Bà Bùi Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai cho biết tại trưng bày lần này, bảo tàng tỉnh giới thiệu bộ sưu tập gồm 9 chiếc chuông đồng được phát hiện tại tỉnh Lào Cai là những hiện vật quý của nền văn hóa Đông Sơn - những hiện vật này đang được Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản quốc gia.
“Ở tỉnh Lào Cai ngoài bộ sưu tập về chuông còn trống đồng, rìu đồng, thạp đồng, mũi lao đồng kể cả lưỡi câu đồng cũng đã được nghiên cứu đó là của thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Chúng tôi rất vinh dự vì được lưu giữ một bộ sưu tập về văn hóa Đông Sơn và hôm nay được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với 35 hiện vật thì chứng tỏ là nền văn hóa Đông Sơn ở tỉnh Lào Cai phát triển rực rỡ, có sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền”, bà Bùi Thị Hường nói.
Cùng với những di vật tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn, tại trưng bày, công chúng được tiếp cận nhiều bảo vật quốc gia như: thạp đồng Hợp Minh, thạp đồng Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê cùng với các đồ tùy táng, minh khí…thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử của cha ông với người đã khuất, những quan niệm về vũ trụ của người Đông Sơn xưa.
“Ở trên cùng một mặt bằng là cái mặt trống đồng chúng ta có mặt trời ở giữa trái đất xoay xung quanh thế thì nó phù hợp với tư duy của người Việt cổ là trời đất ngày xưa dính liền vào với nhau. Như vậy, chúng ta có 4 thế giới: trời, đất, nước và âm phủ làm nên vật thể biểu hiện ra mà chúng ta gọi là trống đồng, rõ ràng đấy là mô hình đầu tiên mà ta gọi là vũ trụ”, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết.
Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn” kéo dài đến tháng 4/2015./.