Thời gian qua, sự xuất hiện của những vật phẩm, linh vật như sử tử đá ngoại lai tại một số công sở, di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một trong những vấn đề đáng quan ngại và bức xúc của dư luận. Để góp phần đưa công chúng đến gần hơn với nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật thuần Việt, ngày 7/11 tới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Nam Định giới thiệu triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về triển lãm này.
PV: Thưa Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, xuất phát từ ý tưởng nào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Nam Định tổ chức triển lãm này?
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến: Triển lãm diễn ra trong bối cảnh một số công sở, nhà riêng, thậm chí cả những khu di tích đang chịu sự xâm lấn mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai. Việc sử dụng các linh vật ngoại lai xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần nhiều từ khoảng trống trong giáo dục, nhận thức về di sản nghệ thuật và đặc biệt là thiếu cơ hội để công chúng được tiếp cận, khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Chính vì vậy, triển lãm với mục đích giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá giá trị độc đáo trong kho tàng di sản nghệ thuật dân tộc, cùng với đó là mang đến cho công chúng cơ hội được tiếp cận gần hơn với hai hình tượng linh vật Việt là sư tử và nghê.
Hình tượng sư tử và nghê chứa đựng những giá trị thẩm mỹ cao về tạo hình với sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện. Tuy nhiên, gần như chưa có một triển lãm chuyên đề riêng nào giới thiệu về hình tượng hai linh vật đặc biệt này. Phần lớn những hiện vật trong triển lãm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dày công sưu tập kể từ những ngày đầu thành lập đến nay. Được biết, Bảo tàng Nam Định cũng sở hữu một số hiện vật nên đã cùng phối hợp để mang ra trưng bày bộ sưu tập hết sức đặc sắc và phong phú này.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hiện vật sẽ được trưng bày trong triển lãm?
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến: Với tổng số khoảng gần 60 hiện vật, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng; và một số tài liệu khoa học phụ như các bản vẽ đặc họa, tường giải trên cơ sở hiện vật..., hình ảnh hai linh vật sư tử và nghê, lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế. Bằng những hình ảnh, hiện vật cụ thể, triển lãm sẽ giúp công chúng hiểu và phân biệt rõ được các linh vật truyền thống của Việt Nam khác với các linh vật ngoại lai như thế nào.
Bên cạnh các hiện vật, trong triển lãm sẽ có những bài viết, có những phân tích của giới chuyên môn để giải thích cho người dân thấy được những cái đẹp của linh vật Việt qua các thời kỳ phát triển từ thời Lý đến thời Nguyễn. Những linh vật phản ánh suy nghĩ, tâm tư của dân tộc trong các giai đoạn khác nhau. Nhưng xâu chuỗi lại vẫn là thuần Việt dù có biến chuyển qua các thời kỳ.
PV: Trong khuôn khổ triển lãm còn có hoạt động gì đặc biệt, thưa ông?
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến: Trong thời gian diễn ra triển lãm, Bảo tàng xây dựng chương trình giáo dục tương tác với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật thú vị hướng đến đối tượng là các em học sinh THCS.
Triển lãm muốn giới thiệu không những bằng hình ảnh, hiện vật mà sẽ đưa ra những bản dập, những bản in để các em tô màu. Đó là một hình thức tương tác bổ ích để những hình tượng khắc sâu vào những tư duy của các em học sinh ngay từ nhỏ. Không những được nhìn, mà chính tay các em còn được làm, được tác động vào. Từ đó giúp các em nâng cao sự hiểu biết và biết trân trọng và tự hào với kho tàng di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
PV: Ông có hy vọng công chúng sẽ tiếp nhận được những gì sau triển lãm?
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến: Cho đến giờ phút này, chưa có khung lý thuyết cụ thể về việc phân biệt sư tử ngoại lai với nghê của Việt Nam. Nhưng triển lãm còn hơn cả những lý thuyết. Bởi những hiện vật với hình dáng cụ thể sẽ cho người ta nhận diện và cảm nhận được con nghê và sư tử Việt Nam khác biệt với các linh vật ngoại lai như thế nào trong cách tạo hình.
Dự kiến sau triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có mong muốn mang những hiện vật này bày ở những nơi khác. Hiện Bảo tàng đang xin ý kiến lãnh đạo Bộ VHTT&DL để làm triển lãm ở 2 địa phương là Đà Nẵng và Ninh Bình – “quê hương” của những linh vật ngoại lai lớn nhất cả nước. Những người dân, người thợ cần nhận biết được những cái họ đang tạo tác không phải của tâm hồn Việt. Từ đó để họ có thể thay đổi hướng sản xuất, nhân rộng những mẫu linh vật thuần Việt.
PV:Xin cảm ơn ông!./.