Tiếp thu phong cách tạo hình châu Âu nhưng mang một tư duy triết học Á đông sâu sắc, tranh của họa sỹ Mai Đắc Linh sử dụng ngôn ngữ của phương Tây để nói về các giá trị Việt và được công chúng Pháp đón nhận với sự trân trọng.

"Niềm tin và thời gian" là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sỹ Mai Đắc Linh tại Pháp với 13 bức tranh sơn mài, trong đó có 5 bức khổ lớn và gần 10 tranh giấy dó. Điều thú vị là triển lãm giới thiệu thành quả hoạt động nghệ thuật mang tính giao thoa Đông- Tây của họa sỹ, với các bức tranh sơn mài công phu mà anh đã thực hiện tại Việt Nam và các bức tranh giấy dó thực hiện trong thời gian chuyển sang sinh sống và làm việc tại Paris.

111-tv-4.jpg
Những mảng màu độc đáo trên tranh giấy dó bồi trên toan của họa sỹ Mai Đắc Linh

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1993, họa sỹ Mai Đắc Linh đã có hơn 20 năm cầm cọ vẽ. Anh đã được biết đến tại Việt Nam như họa sỹ vẽ tranh giấy dó rất thành công khi vừa tốt nghiệp và nhận giải thưởng Đồng toàn quốc năm 1995, sau đó giải B không có giải A khu vực 1 toàn miền Bắc năm 2004 cho bức sơn mài “Ánh sáng ấm áp”.

Năm 1999, Mai Đắc Linh trưng bày triển lãm tranh sơn mài lần đầu tiên và sau đó 5 năm, anh có triển lãm “Còn mãi với thời gian” tại Hà Nội. Năm 2003, Mai Đắc Linh tham gia triển lãm tranh quốc tế tại Bắc Kinh với bức sơn mài “Ánh sáng tinh thần” do Ban tổ chức của triển lãm lựa chọn và giờ đây, anh giới thiệu các tác phẩm của mình với công chúng Paris.

Tiếp cận Paris – kinh đô của nghệ thuật là điều không dễ, nếu không phải là các tác phẩm có giá trị cao và một điều mà triển lãm của họa sỹ Mai Đắc Linh đã làm được là tạo ấn tượng rất sâu sắc với những người yêu tranh ngay tại buổi khai mạc.

Khách Việt Nam và Pháp thích thú với bức sơn mài "Danh gia vọng tộc"

Nhận xét về tranh của Mai Đắc Linh, nhà phê bình người Pháp Corinne de Ménonville, tác giả cuốn “Hội họa đương đại Việt Nam” nhấn mạnh họa sỹ Mai Đắc Linh đi đúng con đường sáng tạo sơn mài mà những người khai sáng trường Mỹ thuật Đông Dương (sau này là trường đại học Mỹ thuật Hà Nội) mong muốn.

Bà Corinne nói: "Những điểm độc đáo nhất là cách họa sỹ Linh sử dụng kỹ thuật sơn mài, chế ngự được màu sắc, tạo nên những sắc màu trầm nhưng trong veo. Những họa tiết hoa sen, trống đồng Đông Sơn, nhiều hình ảnh truyền thống Việt Nam… đã được anh chuyển thể thành công vào sơn mài. Khi anh chuyển sang sống tại Paris, rất khó làm sơn mài vì những lý do về thời tiết, khí hậu, anh chuyển sang làm tranh giấy dó, loại giấy rất đặc biệt truyền thống trong tranh Đông Hồ của Việt Nam. Những sáng tạo của anh thật độc đáo, tôi rất thích cách anh dán những sợi dây trên tranh kết hợp giấy dó bồi trên toan. Màu sắc anh sử dụng trong tranh giấy dó lúc dịu nhẹ khi tươi mới. Sự sáng tạo không ngừng của họa sỹ Mai Đắc Linh tạo nên những tác phẩm rất thú vị, kết hợp giữa Đông và Tây, tiếp tục chuyển tải những giá trị Việt trong tranh, dù là chất liệu sơn mài hay giấy dó”.

Nổi bật trên nền tường trắng muốt, mỗi bức sơn mài của Mai Đắc Linh đều ánh lên long lanh quí giá, dù ngả về vàng hay xanh, đỏ hay đỏ hồng, mỗi mảng màu đều đa tầng, đa lớp trong các bức “Thời gian trong tay”, “Một mình”, “Danh gia vọng tộc”, hay lấp lánh vàng trong “Dòng chảy”. Những bức này đều hoàn thành từ vài năm cho đến chục năm trước ở Việt Nam, tác giả cho biết sử dụng sơn ta chất lượng tốt sẽ có hiệu quả rất tuyệt vời theo thời gian. Khi ánh sáng chiếu vào, tranh của anh trong đến độ tưởng như có thể thấy màu sắc khác nhau từ lớp nọ xuyên qua lớp kia, vì thế nhà phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương đã từng nói “tranh của Linh giống như ngọc, như đá quý” vậy.

Bức tranh "Lúc tươi mới"

Thay vì gợi hình với những mảng màu lớn, vững chãi nhưng còn vương nét suy tư trong sơn mài, những sáng tạo tranh giấy dó bồi trên toan của họa sỹ Mai Đắc Linh có màu sắc dịu nhẹ, trừu tượng hơn với những ô màu nhỏ nghiêng về sáng và tươi tắn. 

Trên các bức như “Tàn phai”, tác giả sử dụng đường nét nổi làm từ các đoạn dây mỏng được sắp xếp tỉ mỉ. Hai bức “Vĩnh cửu” hay “Thực tại” sáng tác gần đây nhất, mang phong cách hoàn toàn trừu tượng, chỉ còn thấy màu sắc đơn giản, thậm chí không màu và sắp xếp các đoạn dây nối với nhau, khi thưa khi mau, tạo nên những chia cắt và mảng hở có tính toán, lại như những chuyển động của một dòng sông là một sáng tạo rất “độc đáo” như nhiều khách xem tranh nhận xét.

Họa sỹ Mai Đắc Linh chia sẻ ý tưởng sáng tác của anh xuất phát từ ý thức của con người Việt Nam về niềm tin và thời gian, về gia đình, về Phật giáo… Dù trầm lắng trong sơn mài hay tươi sáng và rộn ràng trong tranh giấy dó, thì thông điệp chủ đạo của họa sỹ là muốn chuyển tải tinh thần nhân văn và đạo Phật đến với người xem.

Họa sỹ Mai Đắc Linh 

“Tôi là người rất tôn sùng đạo Phật và cũng có một số trải nghiệm nhỏ về tôn giáo này. Việt Nam là đất nước nông nghiệp và hầu như ở một ngôi làng nhỏ nào cũng có một ngôi chùa, tinh thần Phật giáo đối với người Việt rất rõ ràng. Từ xưa các cụ cũng từng dùng chất liệu sơn mài để thể hiện những bức tượng Phật, làm những đồ thờ cúng, đồ dùng trong các nghi thức Phật giáo. Đó cũng là một câu chuyện, sự tích để mình nối liền với công việc của mình. Tôi cũng muốn chuyển tải một phần tinh thần nhân văn, tinh thần Phật giáo vào tranh sơn mài của mình, đó cũng là cái để nói và đối thoại được nhiều với người xem” - sỹ Mai Đắc Linh chia sẻ.

Bà Anne Coralie Phachan, Chủ tịch Phòng tranh Victoria – một người gốc Việt - đặc biệt ấn tượng trước việc họa sỹ sáng tạo với những sợi dây trên tranh giấy dó bồi trên toan. Theo bà Phachan, đó là những con đường của sự “trừu tượng”. Theo thời gian, những đường vẽ màu của họa sỹ sẽ mờ đi, còn những con đường trên sợi dây sẽ rõ nét hơn và tạo những hiệu ứng rất thú vị. 

Nếu như nghệ thuật là sứ giả của tâm hồn dân tộc, giúp mọi người ở các nền văn hóa khác nhau cũng có thể đồng cảm và tăng hiểu biết lẫn nhau, thì đến với tranh của họa sỹ Mai Đắc Linh, những người yêu nghệ thuật ở Pháp sẽ đến được với một tâm hồn Việt một cách dễ dàng./.