Hòa chung trong không khí của đồng bào cả nước hướng về Tổ tiên và cội nguồn dân tộc, trong ngày hôm nay (9/4) (nhằm mùng 10 tháng 3 âm lịch), Trường Đại học Đồng Tháp trang trọng tổ chức Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương lần 5 năm 2014.

denthovauhung.jpg
Hình hoạt cảnh tái hiện thời Vua Hùng và ca ngợi những anh hùng đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, tại Trường Đại học Đồng Tháp (Ảnh: Thanh Tùng)

Trong không khí trang nghiêm, ban tổ chức đã tiến hành nghi lễ rước kiệu Vua Hùng, các nghi thức dâng hương, rượu, bánh và đọc chúc văn. Tại buổi lễ, lãnh đạo nhà trường đã bày tỏ tấm lòng thành kính biết ơn sâu sắc đến các vị Vua Hùng; đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường đoàn kết, đồng thuận một lòng, với tinh thần, trách nhiệm cao phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, tinh thần và ý chí của cha ông chung tay xây dựng và phát triển trường Đại học Đồng Tháp trở thành cái nôi đào tạo nguồn lực cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Trong phần hội, sinh viên được tham gia các hoạt động như: cắm trại 15 bộ lạc hướng về Quốc tổ, thi gói bánh chưng, xem phim tài liệu về Di sản văn hoá phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, tham gia trò chơi dân gian và chương trình nghệ thuật tôn vinh Di sản văn hoá phi vật thể “Đờn ca tài tử”…

*Còn tại Cà Mau, hôm nay, hơn 2000 người dân đến viếng Đền Hùng.Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau là 1 trong 2 ngôi đền thờ Hùng Vương ở ĐBSCL có lịch sử lâu đời nhất. Trong 2 ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch mỗi năm có trên 1.500 lượt khách đến viếng từ khắp nơi như: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang… Ai ai cũng muốn tìm về nguồn cội, gần hơn với danh xưng đầy tự hào "Con Lạc Cháu Hồng".

Theo ước tính của Ban quản lý Đền Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau trong ngày mùng 10 tháng 3  âm lịch hôm nay có hơn 2000 lượt khách trong và ngoài tỉnh Cà Mau về đây chiêm bái. Không chỉ gói gọn trong khu vực ĐBSCL, có nhiều người ở rất xa cũng tìm về đây dâng hương thành kính.

Bà Trần Thị Thu đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ: “Năm nào cũng đông và năm nào tôi cũng có mặt ở đây. Tôi đem xôi lại cúng cầu mong dân mạnh lành, mần ăn cho khá giả”.

Vì Đền Hùng nằm trên trục Quốc lộ 63 nên lưu lượng người và xe đến đây rất đông. Với mục đích tạo nên ngày hội vui tươi, lành mạnh, và tạo được ấn tượng sâu sắc, Ban Tổ chức lễ hội huyện Thới Bình đã triển khai chặt chẽ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại Đền Hùng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cũng như các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại của khách hành hương được đưa vào nền nếp.

Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hành hương từ khắp nơi về đây viếng Đến Hùng được tốt hơn, tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt dự án trị giá hơn 100 tỷ đổng để mở rộng khu Di tích Đền Hùng.

Ông Nguyễn Nhật Bằng, Trưởng Phòng Văn hoá -Thông tin huyện Thới Bình cho biết thêm: “Tỉnh đã phê duyệt cho Thới Bình mở rộng diện tích này lên khoảng 1 ha vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, và mở rộng diện tích này về hướng đông đối với Quốc lộ 63 đối diện với Đền hiện hữu, trong phương hướng tới cách quản lý của mình trên cơ sở có Ban quản lý các di tích của tỉnh và quản lý nhà nước cấp huyện về lĩnh vực văn hoá này”.

Qua hàng trăm năm hình thành, Đền thờ Vua Hùng luôn được nhân dân Tân Phú chăm sóc cẩn thận. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt cũng như thời bình, đây luôn là chỗ dựa tâm linh cho đồng bào vào dịp mùng 10/3 âm lịch. Ngày giỗ Tổ là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn trời biển của các vị Vua Hùng và những người có công dựng nước, giữ nước. Dịp này, cũng là cơ hội để mọi người gần nhau hơn, cùng hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giữ gìn truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc./.