Hôm nay, mùng 10/3 (âm lịch) - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng nghìn người đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) để dự ngày lễ trọng đại của dân tộc, nhưng cũng có rất nhiều gia đình ở Hà Nội tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng bằng cách riêng. Đó là đi chợ mua bánh chưng, bánh dày về thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông và đất trời xứ sở. Năm nào cũng vậy, cứ vào sáng ngày 10/3 (âm lịch) là chị Đỗ Thị Phúc (ở nhà E, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại ra chợ Xanh gần nhà để mua bánh chưng, bánh dầy về thắp hương trên bàn thờ, vừa bày tỏ tấm lòng thành kính đối với “các vua Hùng đã có công dựng nước”, vừa tưởng nhớ tới ông bà cụ kị tổ tiên nhà mình. Chị Phúc cho biết, làm như vậy vừa là theo cái tâm của mình vừa là dịp giáo dục truyền thống cho con cháu.
rrt5s-(2).jpg
Chị Phúc mua bánh chưng bánh dầy về Giỗ Tổ Hùng Vương
“Hôm nay, tôi mua bánh chưng, bánh dầy về để thắp hương. Thứ nhất là lòng thành kính lên Vua Hùng, thứ 2 là tưởng nhớ các cụ nhà mình. Làm người thì phải có tổ có tông. Giỗ Tổ là quốc giỗ, tổ tông của tất cả mọi người trong đất nước” - chị Phúc cho biết.Không hòa vào dòng người hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) như những năm trước, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn ở phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng cũng mua đồ lễ về Giỗ Tổ tại gia đình. Ông Tuấn cho biết, ngày Giỗ Tổ đối với gia đình ông là 1 ngày đặc biệt. Nếu không hành hương về Đền Hùng thì trong ngày này, các con cháu trong gia đình ông lại quây quần đông đủ làm nên một không khí ấm cúng vô cùng, đúng như câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ Ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.
Từ sáng sớm đã có người mua đồ lễ tại chợ Hôm (Hà Nội)
Theo ông Tuấn: “Mình là con dân đất Việt nên lúc nào cũng phải nhớ đến người dựng ra nước. Mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm đó ở một góc độ có thể khác nhau. Năm nào cũng vậy, đến ngày Giỗ Tổ thì gia đình tôi thắp hương, buổi sáng thì tôi đi thể dục xong sau đó mua một số thứ về thắp hương trong đó phải có bánh chưng, bánh dầy, còn bà xã thì đi mua hoa quả. Việc này đã trở thành truyền thống rồi”.Nét văn hóa của người dân Thủ đô trong Ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã làm nên một không khí nhộn nhịp tại các chợ, nhất là tại các quầy hàng bán bánh chưng, bánh dày. Bởi lẽ dù làm cỗ chay hay cỗ mặn thì trên bàn thờ mỗi gia đình đều không thể thiếu 2 thứ bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông trong tín ngưỡng của người Việt thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Anh Phạm Anh Tuấn bán đồ lễ tại ki-ốt số 1 Chợ Hôm- Đức Viên (Hà Nội ) cho biết, bánh chưng, bánh dày bán trong dịp này được làm to hơn ngày thường.
Anh Phạm Anh Tuấn bán bánh chưng, bánh dày tại chợ Hôm (Hà Nội)
“Bánh chưng, bánh dầy vào ngày 10/3 (âm lịch) năm nào cũng đông đảo người dân mua để thắp hương vì một năm có một ngày Giỗ Tổ cho nên là bán được rất nhiều. Bánh dầy, bánh trưng vào ngày này thường to hơn so với ngày thường. Bánh luôn ở tình trạng hết hàng sớm”- anh Phạm Anh Tuấn cho biết.Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ con Rồng, cháu Tiên từ ngàn đời nay. Mỗi người con đất Việt, dù đang hành hương về Đền Hùng hay giỗ Tổ theo cách riêng như người dân Hà Nội, đều thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, góp phần lưu truyền mãi mãi một Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận  là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại./.