Ngày 4/12, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phối hợp tổ chức hội thảo “Xây dựng chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam”, thông qua dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa”, nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch.

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều đại biểu trong lĩnh vực mỹ thuật, cũng như văn hóa, nhằm đưa ra những trao đổi, khuyến nghị cụ thể về việc xây dựng các chính sách cần thiết, giúp tạo lập thị trường mỹ thuật nội địa và hỗ trợ mỹ thuật Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới.

hoi_thao_4_12_kuuq.jpgHội thảo “Xây dựng chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam” diễn ra ngày 4/12

Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, mỹ thuật Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt trong khoảng 15 năm từ đầu những năm 1990 đến giữa những năm 2000. Nghệ thuật Việt Nam cũng được giới thiệu tại một số triển lãm mỹ thuật, gallery có tiếng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó, cùng với sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang trở nên ảm đạm, nhiều gallery và cửa hàng bán tranh phải đóng cửa.

Thị trường mỹ thuật ảm đạm: Không chỉ do kinh tế

Chịu ảnh hưởng của sự suy thoái nền kinh tế chung từ năm 2007, thị trường mỹ thuật Việt Nam phải đối đầu với vấn đề tài chính. Khả năng tiêu thụ tác phẩm tromg các triển lãm, cũng như ở các gallery tại Việt Nam sụt giảm hẳn. Điều đó khiến cho chính những nghệ sỹ ít hào hứng hơn, phải tính toán kỹ hơn khi bỏ tiền tổ chức triển lãm, hoạt động nghệ thuật đôi khi trở thành nghề khó nuôi sống bản thân họ.

TS Đinh Hồng Hải, đến từ Viện Nghiên cứu văn hóa đánh giá, hiện nay thị trường mỹ thuật Việt Nam đang bước vào một giai đoạn suy giảm và trầm lắng đáng lo ngại. Bên cạnh những ảnh hưởng dễ thấy của khủng hoảng kinh tế thế giới và việc chưa có một thị trường mỹ thuật thực thụ thì sức tấn công mãnh liệt của hàng giả, hàng “nhái” và hàng lậu trong nghệ thuật đang dần lấy đi “đất sống” của những người làm nghệ thuật chân chính.

TS Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa

Ông cho rằng: “Vấn đề này một phần xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo đối với thị trường mỹ thuật, và sự thiếu tự giác từ chính các tác giả trong việc tránh đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình”. Vì thế, Việt Nam hiện nay không có được thị trường mỹ thuật nội địa sôi động.

Sâu xa hơn chính là vấn đề đào tạo nhân lực cho thị trường mỹ thuật. Ở Việt Nam, các trường đào tạo nghệ sỹ rất đông, các trường đào tạo giáo viên để giảng dạy mỹ thuật ở phổ thông cũng đông không kém. Tuy nhiên, theo TS Trang Thanh Hiền, đến từ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, việc giáo dục mỹ thuật ở các cấp tiểu học và phổ thông lại hết sức bất cập.

“Hầu như việc giảng dạy mỹ thuật không hướng con người đến việc nâng cao năng lực thẩm mỹ, mà chủ yếu giáo dục kiểu rèn luyện kỹ năng. Chúng ta không có sự liên kết giáo dục giữa hệ thống các bảo tàng mỹ thuật và các trường phổ thông. Đây là lỗ hổng lớn trong giáo dục Việt Nam”, TS Trang Thanh Hiền nhận định.

Họa sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đồng tình khi khẳng định: “Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên mỹ thuật các trường thuộc các tỉnh thành sau khi ra trường, tham gia công tác giảng dạy nhưng không  sáng tác hoặc ít sáng tác nên chất lượng chuyên môn mỹ thuật giảng dạy chắc chắn là hạn chế”.

Bên cạnh đó, một trong những thực trạng đáng bàn về thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay, đó là thị trường ở lĩnh vực này chưa được xã hội hóa thành công. Do đó, môi trường sống của công chúng vẫn chưa được nghệ thuật hóa, các tác phẩm nghệ thuật nhiều khi còn trở nên xa lạ với nhiều người dân. Điều này chưa thể giúp thị trường mỹ thuật nội địa trở nên thực sự sôi động.

“Không thể cứ rót theo cấp hành chính đầu tư cho mỹ thuật”

Trước thực trạng thị trường mỹ thuật Việt Nam diễn ra như hiện nay, Bộ VH-TT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, và mỹ thuật được quy hoạch là một trong những ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm. Nội dung của quy hoạch phát triển mỹ thuật này mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 năm nay, đó là “rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động mỹ thuật để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của xã hội”.

Thị trường mỹ thuật nội địa cần được phát triển theo hướng mới

Phía UNESCO cũng đã đưa ra khuyến nghị chính sách cho giải pháp về hình thành tổ hợp sáng tạo, nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong đó, nội dung đề cập tới vấn đề làm thế nào để xây dựng được thành công thị trường mỹ thuật tại nước ta, và để nghệ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Bản khuyến nghị có nêu ra việc thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân, như hợp tác với các tổ chức hay nghệ sỹ độc lập trong các chương trình phát triển xã hội của Nhà nước.

Nhà báo Đào Mai Trang của tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, thuộc Bộ VH-TT&DL nêu quan điểm: “Vai trò của Nhà nước cần phải được phát huy mạnh mẽ, từ các chính sách về thuế, hỗ trợ, tài trợ, kiểm duyệt, cơ chế tài chính trong việc mua bán, sưu tập mỹ thuật… đều cần được điều chỉnh theo thông lệ chung của thế giới. Nhà nước cũng cần phát huy vai trò trong việc tạo ra các cơ chế chính sách, nhằm liên kết các ngành lại với nhau, thúc đẩy sự quan tâm của công chúng, xã hội dành cho mỹ thuật. Một sự kiện mỹ thuật quy mô quốc gia như triển lãm toàn quốc thì không nên chỉ có ngành mỹ thuật quan tâm, mà còn cần được quan tâm bởi ngành giáo dục, ngành du lịch. Như hiện nay, chỉ sau khai mạc là hầu như triển lãm nào cũng vắng khách, cho dù chi phí bỏ ra là tiền tỷ”.

Trong khi đó, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng, thị trường mỹ thuật nội địa vẫn có khả năng phát triển, nhưng cần thay đổi được tư duy, nhận thức, bớt hành chính hóa đi. Thay vào đó là có thêm các chính sách, quỹ hỗ trợ, kêu gọi các cá nhân nghệ sỹ tham gia, ngay cả các doanh nghiệp cũng nên tham gia, nhằm đảm bảo cân bằng yếu tố thương mại và nghệ thuật trong mỗi hoạt động, mỗi tác phẩm.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân 

Nhà phê bình Nguyễn Quân bày tỏ: “Chúng ta không thể lúc nào cũng đầu tư  theo kiểu rót theo cấp hành chính, mà đầu tư trực tiếp theo dự án, theo các quỹ thì sẽ vào nghệ thuật, giúp phát triển thị trường nghệ thuật. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi trong nhận thức. Quản lý nghệ thuật không có nghĩa là cấm cái mà chúng ta không thích, mà là tạo môi trường cho các nghệ sỹ sáng tạo, tạo ra môi trường hưởng thụ nghệ thuật, tạo ra nhu cầu buôn bán về nghệ thuật”.

Thị trường mỹ thuật trong nước là nhu cầu, mục tiêu để mỹ thuật Việt Nam nói riêng, cũng như nghệ thuật Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Nhiều giải pháp cần được thực hiện, nhằm thúc đẩy tiềm năng cho thị trường, đồng thời đảm bảo đem lại lợi ích kinh tế cho cá nhân nghệ sỹ tham gia trong thị trường mỹ thuật hiện nay./.