Liên hệ với Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải, đạo diễn chương trình Gặp nhau cuối năm, anh cho biết: “Đấy là buổi gặp gỡ trao đổi trước với nghệ sĩ, để tiện sắp xếp kế hoạch tập luyện. Hiện tại kịch bản chưa xong, danh sách diễn viên chưa chốt. Tháng 1/2016 chúng tôi mới bắt đầu dàn tập”. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, năm nay sẽ vẫn là một nhóm viết chung kịch bản và “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng sẽ tiếp tục tham gia.

Khi các “Táo” làm truyền thông

Trước kia Táo Quân được truyền thông như các tất cả các chương trình của nhà đài. Nhưng vài năm trở lại đây chương trình này gần như không cần truyền thông. Mọi thông tin liên quan đến chương trình luôn được bí mật đến phút chót. Hai đêm ghi hình được quản lý vé mời rất chặt, nhà báo được mời xem cực hạn chế, nhằm đảm bảo nội dung không bị hé lộ quá nhiều. Nhưng chính vì thế mà truyền thông càng “lùng sục” chương trình này. 

tao_quan_w_480_ousw.jpg
Bức ảnh dàn “Táo” hội ngộ trên Facebook của danh hài Chí Trung đã hâm nóng sự quan tâm của khán giả tới chương trình hài cuối năm này.

Những hình ảnh nhỏ giọt mà truyền thông có được đều do nghệ sĩ cung cấp. Hình ảnh Xuân Bắc ngủ chờ giờ tập, Công Lý, Tự Long ăn cơm hộp trong phòng tập... đương nhiên hấp dẫn độc giả háo hức chờ ngày chương trình phát sóng.

Không biết đây có phải chiến lược truyền thông của chương trình này, nhưng hiệu quả rất cao, đã từng “hâm nóng” tình yêu của khán giả khiTáo Quân có nguy cơ “nguội” vào năm 2013. Năm ấy, “người thích đùa” – danh hài Chí Trung chia sẻ trên Facebook có thể anh sẽ không đóng Táo Giao thông, khiến nhà báo đổ xô đi tìm Chí Trung. Năm 2015, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh chia sẻ niềm tiếc nuối vì Táo Quân sẽ ngừng sản xuất, lại khiến khán giả đứng ngồi không yên, sau đó nhà sản xuất lên tiếng là thông tin giả.

Táo Quân 2016 có gì mới?

Có thể dàn diễn viên chủ chốt của Táo Quân hơn 10 năm nay vẫn sẽ có mặt. Sẽ không thiếu bộ ba Nam Tào – Bắc Đẩu - Ngọc Hoàng do Xuân Bắc, Công Lý, Quốc Khánh thủ vai, cùng các Táo chủ chốt, do Chí Trung, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung đóng… Nếu có thêm “Táo” trẻ, sẽ là diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ như mọi năm, nhưng họ chỉ giữ vai trò phụ.

Chương trình Táo Quân 2015.

Căn cứ lịch “chạy sô” cuối năm của nghệ sĩ, có thể thấy format chương trình sẽ khó thay đổi. Format chạy hiệu quả hơn 10 năm nay vẫn là các mô-đun vấn đề lắp ghép với nhau. Trong đó mỗi “Táo” của các lĩnh vực Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Y tế, Giao thông giữ một mô-đun, tương đương với diễn một tiểu phẩm. Nhờ cách này mới dễ xếp lịch cho các diễn viên bận rộn đến tập, mặt khác nếu nội dung quá nhạy cảm không được duyệt thì đạo diễn vẫn có thể cắt mà tổng thể chương trình không bị ảnh hưởng. Mỗi năm nhà sản xuất làm mới bằng cách “nhái” các chương trình nổi tiếng như Hoa hậu Việt Nam, Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Ai là triệu phú, Ơn giời cậu đây rồi...

Những chiêu trò này làm mãi cũng nhạt. Trong khoảng 3 mùa gần đây, cả truyền thông và khán giả bắt đầu cảm nhận chương trình này đã đến hồi bão hòa. Nhưng xem chừng đó chỉ là cảm giác nhất thời, còn sau 1 năm, khán giả lại tiếp tục háo hức chờ đợi.

Táo quân 2015 “bí ẩn” đến phút chót

Dự kiến, chương trình Táo quân 2015 phát sóng vào tối 18/2 (tức 30 Tết Nguyên đán) trên kênh VTV, nhưng đến giờ mọi thông tin về chương trình vẫn kín như bưng.

Sẽ khó có thể trông chờ một format Táo Quân mới lạ. Táo Quân vẫn phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ viết kịch bản. Cái khó của nhà sản xuất là tìm người viết có khả năng chọn chất liệu xã hội, và thể hiện nó bằng ngôn từ châm biếm, sâu cay, hài hước. Và thách thức còn lại sẽ dồn về đội ngũ diễn viên…/.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chương trình vẫn sẽ tồn tại lâu dài: 

“Người Việt bắt đầu mùa Tết vào ngày 23 tháng chạp, mà dân gian gọi là ngày ông Táo lên chầu Giời để báo cáo Ngọc Hoàng ngọn ngành những chuyện xấu tốt, thành bại xảy ra dưới dương gian, sau một năm lịch Âm Dương tính theo hệ can chi. Thêm nữa, người Việt TK XXI hôm nay đã quá ngán các báo cáo dài dặc, khô cứng, lê thê kiểu tổng kết cuối năm. Nên họ rất thích một báo cáo tổng kết năm, lại được thể hiện dưới dạng nghệ thuật hài kịch, trên tinh thần phản biện xã hội, để giã từ năm cũ một cách vui vẻ. Táo Quân đã “gãi đúng chỗ ngứa”, đáp ứng nhu cầu ấy của khán giả truyền hình.

Thực chất, Táo Quân là chương trình tuy mang đậm màu sân khấu hài truyền hình, nhưng không phải là một vở diễn sân khấu hoàn chỉnh. Chương trình này lại mang tính báo chí rất mạnh, nên yếu tố sân khấu buộc phải nương theo nội dung chính luận. Táo Quân được ưa thích bởi đã dám đề cập, phân tích, mổ xẻ các vấn đề xã hội hiện đại một cách châm biếm, sâu cay, hài hước. Cười được trong bi kịch của sự phát triển là thành công lớn. Vậy, chương trình sẽ sống dài dài chừng nào còn làm người dân cười sảng khoái trước các sự kiện đã được báo chí truyền thông, nhưng được lạ hóa bằng sân khấu hài. Và được lên sóng truyền hình cho đông đảo người xem.

Theo tôi, nghệ sĩ kịch phải rất thông minh hóm hỉnh và sắc sảo như nhà báo chuyên nghiệp mới có thể có một chương trình Táo Quân, hội tụ được 3 chân kiềng đẹp đến thế, kết hợp tính thời sự, tính chính luận báo chí và tính hài hước sân khấu, để người Việt hiện đại có thể thưởng thức Táo Quân mà giã từ năm cũ một cách vui vẻ và sảng khoái nhất…