Sau nhiều năm mong chờ, Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ sẽ diễn ra từ ngày 9-16/9 tới. Liên hoan không chỉ là cơ hội tôn vinh tác giả Lưu Quang Vũ, người có cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển sân khấu Việt Nam mà còn mở ra cơ hội cho đội ngũ sáng tạo sân khấu hôm nay tiếp cận khán giả.

Trước thềm liên hoan, PV VOV đã có phỏng vấn với nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) về vấn đề này.

ndc.jpg
Ông Nguyễn Đăng Chương

PV: Thưa ông, Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tới đây sẽ quy tụ những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của tác giả Lưu Quang Vũ. Ông đánh giá như thế nào về những tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Ngày xưa, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã gọi là hiện tượng, mà hiện tượng ấy thể hiện ở 2 vấn đề: một là anh Vũ viết rất nhanh, hai là tất cả các vở diễn của anh đều đi vào lòng công chúng. Nói cách khác, anh Vũ đã tìm được điểm yếu của thời đại, những mâu thuẫn xung đột của xã hội, tìm thấy hạt nhân mâu thuẫn của con người trong thời đại cơ chế đang chuyển đổi. Tác giả đã nói thay khát vọng, niềm tin, nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn… những điều nhân dân lao động không nói được, tạo tiếng nói của số đông quần chúng thông qua tác phẩm, cho nên tác phẩm có sức sống, trường tồn và đi vào lòng người.

Bên cạnh đó, tác phẩm của anh luôn luôn đề cao tính dự báo, tức là khi anh đưa vấn đề ra thì dự báo cho tương lai là cái gì, diễn ra như thế nào và tác động đến đời sống như thế nào để con người thời điểm hiện tại lường trước được để tránh, để điều chỉnh đời sống cá nhân trong đời sống hiện tại.

PV: Một trong những mục đích Liên hoan các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ đặt ra là tạo làn sóng mới cho sân khấu Việt Nam, cũng như giúp các tác giả trẻ hiện nay có những bài học kinh nghiệm từ Lưu Quang Vũ để nâng cao chất lượng tác phẩm. Vậy theo ông, những tác giả trẻ ngày nay nên học hỏi điều gì từ tác giả Lưu Quang Vũ

Ông Nguyễn Đăng Chương: Có thể học tập được rất nhiều điều, học tập về ngôn ngữ, cấu trúc, thủ pháp tạo ra yếu tố hấp dẫn. Đặc biệt là phải học về sự dũng cảm dám nhìn thẳng vào góc khuất tối nhất của xã hội, của con người, để cảnh tỉnh điều gì đó cho con người đang sống và cho tương lai. Đó là những điều các tác giả trẻ hôm nay cần phải học.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ

PV: Trong sân khấu Việt Nam đã từng có hiện tượng nào khác hiện tượng Lưu Quang Vũ chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Chương:Có thể nói, trong lịch sử sân khấu cách mạng mới chỉ có 1, gọi là hiện tượng Lưu Quang Vũ. Hiện tượng này đã được trong giới sân khấu đánh giá và cả khán giả đánh giá. Trong sân khấu có rất nhiều tác giả đã thành danh nhưng tạo ra một hiện tượng như Lưu Quang Vũ thì chưa. Chỉ trong mấy năm thôi Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 tác phẩm. Đó là một hiện tượng về sức lao động.

PV: Ông đánh giá như thế nào về lực lượng sáng tác hiện nay?

Ông Nguyễn Đăng Chương:Chúng ta đang khủng hoảng lực lượng sáng tạo, đặc biệt là đối với sân khấu. Đời sống thời hiện đại tác động đến làm tác giả mất đi khát vọng. Mà nếu anh mất đi khát vọng anh không bao giờ dám nhìn thẳng vào vấn đề để lý giải nó, phanh phui nó ra trước công chúng để xã hội nhìn thấy kể cả mặt tốt và mặt xấu. Khát vọng hiện nay của các tác giả như đốm lửa bị nhỏ dần lại, nó cần được thắp sáng và thổi bùng nên thành ngọn lửa cao thì mới nuôi được suy nghĩ và điều họ trăn trở thì mới có tác phẩm hay được.

PV: Dường như ông kỳ vọng rất nhiều ở Liên hoan các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Tôi không kỳ vọng, chỉ mong muốn tôn vinh người đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển sân khấu. Bên cạnh đó, thông qua các tác phẩm đó nhìn lại, làm bài học cho những đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ… để tìm một hướng đi mới qua các tác phẩm của Lưu Quang Vũ.

Ngoài ra, Liên hoan cũng là hoạt động để hâm nóng đời sống sân khấu mà hiện nay đang rất èo uột, bế tắc. Chúng ta cứ đổ cho khán giả nhưng thật ra không phải đâu. Cái chính là sự khủng khoảng rất lớn ở lực lượng sáng tạo. Sự sống còn của đơn vị nghệ thuật đó là chất lượng tác phẩm, mà muốn có chất lượng tác phẩm phải có đội ngũ sáng tạo tài năng. Nhưng chúng ta đang khủng hoảng, đang thiếu, thiếu ghê gớm! Cho nên chúng ta không có tác phẩm đỉnh cao.

PV: Xin cảm ơn ông!/.