Tối 20/10, hàng nghìn diễn viên đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tề tựu bên bờ di sản Vịnh Hạ Long cùng “khoe” những làn điệu dân ca mượt mà, gần gũi đặc trưng của mỗi miền quê tại khai mạc Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền và Triển lãm Tranh cổ động với chủ đề “Biển đảo quê hương - Môi trường Di sản”. Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn, trao đổi kinh nghiệm về gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật loại hình đàn, hát dân ca của dân tộc.

dc1_vov_bghn.jpg

Hội diễn năm nay có sự tham gia của 24 đoàn nghệ thuật quần chúng với hơn 1.000 diễn viên.

Đến với "Liên hoan Đàn, hát dân ca 3 miền", các đoàn nghệ thuật sẽ biểu diễn giao lưu phục vụ nhân dân và du khách tại Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt tại một số thành phố lớn của đất mỏ như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, ban tổ chức sẽ tổ chức lưu diễn các làn điệu dân ca ba miền để giới thiệu đến du khách và người dân.

"Liên hoan Đàn, hát dân ca 3 miền" năm 2018 quy tụ hơn 1.000 diễn viên đến từ 24 trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong đó có nhiều hạt nhân trưởng thành từ phong trào quần chúng, những người gắn bó với dân ca bằng niềm đam mê. Vượt hàng nghìn cây số, gần 40 nghệ sỹ, nghệ nhân của đoàn nghệ thuật Pleiku mang đến hội diễn những hơi thở của núi rừng Tây Nguyên qua những đạo cụ, những câu hát riêng có của vùng đất đầy nắng và gió.

Hơn 150 tranh cổ động được trưng bày với chủ đề “Biển đảo quê hương - Môi trường Di sản”.

“Với Tây Nguyên, đặc biệt là Pleiku, Gia Lai có rất nhiều bản sắc và dân tộc nhất là những đạo cụ hoàn toàn được làm từ chất liệu tre, nứa, cũng có nhiều nghệ nhân làm đàn và chơi đàn luôn”, ông Ngô Công Lý, đoàn nghệ thuật quần chúng Gia Lai cho biết.

Với các nghệ sỹ, nghệ nhân TP Đà Nẵng, tham gia dân ca ba miền tại Quảng Ninh, họ mang đến  màu sắc câu hò điệu lý, dân ca khu vực trung bộ gồm những câu hò, điệu lý, nhạc cụ dân tộc của miền trung.

“Những nghệ nhân này được chúng tôi tuyển chọn là những hạt nhân văn nghệ hoạt động tại các thiết chế văn hóa tại cơ sở. Và nhiều nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân ưu tú và đã từng hoạt động về dân ca bài chòi là những vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống tại Trung bộ”, ông Cao Tấn Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa Đà Nẵng cho biết.

Tối nay, bên bờ di sản Hạ Long, những bài điệu lý, câu hò quen thuộc như đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam như được thổi thêm sức sống, trở lên duyên dáng, mượt mà hơn. Với các tiết mục dân ca, dân vũ nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đối lứa được khám phá qua góc nhìn đặc sắc trẻ trung của các làn điệu dân ca.

Ông Nguyễn Công Trung, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Đối với hội diễn này có 24 tỉnh thành tham gia, chúng tôi tin rằng những chất liệu dân ca, dân vũ quý giá sẽ được trình diễn tại sân khấu của Quảng Ninh trong những ngày sắp tới. Tinh thần là các đoàn đã chuẩn bị rất tốt. Chúng tôi hi vọng sẽ để lại ấn tượng tốt cho năm du lịch quốc gia tại Quảng Ninh”.

Hội diễn Đàn, hát Dân ca 3 miền và Triển lãm Tranh cổ động với chủ đề “Biển đảo quê hương - Môi trường Di sản”  do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân tỉnh Quảng Ninh tổ chức từ ngày 20-25/10.

Đây là một trong các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2018./.