Nghệ thuật múa rối nước có lịch sử hàng trăm năm ở nước ta mà tập trung chủ yếu ở tỉnh Thái Bình. Đây là môn nghệ thuật vừa bác học vừa dân giã, từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu của mỗi người dân Bắc bộ. Đặc biệt, nghệ thuật múa rối nước khi được biểu diễn ở nước ngoài đều có sức cuốn hút kỳ lạ với công chúng thế giới về bộ môn nghệ thuật độc đáo có một không hai này.
Mới đây nghệ thuật múa rối nước đã được đem ra huyện đảo du lịch nổi tiếng nhất của cả nước là Phú Quốc để xây dựng và biểu diễn vừa góp phần giúp công chúng phương Nam hiểu thêm về nghệ thuật này; đờng thời giới thiệu đến khách du lịch quốc tế đến đảo ngọc; tạo ra điểm nhấn trong ngành văn hóa du lịch ở huyện đảo.
Sinh ra và lớn lên ở Làng Đông Các - một trong những cái nôi của múa rối nước truyền thông ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nên Phó Giáo sư ngành Thủy lợi Hà Lương Thuần dù đã nghỉ hưu song bằng tâm huyết của mình đã đưa nghệ thuật múa rối nước truyền thống ở quê hương mình đến với vùng đất phương Nam - đó là đảo ngọc phú Quốc.
Theo đó, từ cuối năm ngoái, hơn 1000m2 đất đã được ông thuê lại của một hộ dân ở xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để xây dựng nhà hát múa rối nước tại đảo Ngọc. Gần 20 thanh niên, nghệ nhân của làng múa rối nước Đông Các khăn gói vào Phú Quốc để phát triển loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
Với tên gọi nhà hát Múa rối nước đảo Ngọc, Phó giáo sư, cùng gia đình và bạn bè bằng sự say mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã đầu tư nhiều tỷ đồng để làm sân khấu nước, trang trí khán đài. Riêng các hình tượng biểu diễn như chú tễu hay quân rối một phần mang từ Đông Các vào , một phần do các nghệ nhân mua gỗ tại Phú Quốc tự tay chạm khắc, tạo nên.
Cho biết về lý do mang rối nước ra đảo ngọc Phú Quốc, ông tâm sự: “Đảo Ngọc Phú Quốc đang trở thành một trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế. Lượng khách quốc tế đến với đảo Ngọc ngày càng đông, nên chúng tôi muốn mở nhà hát để duy trì một môn nghệ thuật truyền thống đặc biệt này. Nhà hát không chỉ tạo ra doanh thu để duy trì cuộc sống cho các nghệ nhân, mà còn tạo cho du khách nước ngoài hiểu sâu về văn hóa dân tộc đặc sắc của Việt Nam”.
Nghệ thuật múa Rối nước ở Đông Các có từ thế kỷ 12, 13, đã có thời thất truyền, song từ đầu thế kỷ 20 nghệ thuật này lại được khôi phục và sau đó tồn tại qua biết bao thế hệ người dân làng Đông Các. Rối nước Đông Các nói riêng và Thái Bình nói chung từ đã nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ sự cần cù, khéo léo của các nghệ nhân. Họ không chỉ tạo ra các con rối sơn son thếp vàng đẹp đẽ ,làm say đắm lòng người mà khi biểu diễn dưới nước, các con rối ấy còn có hồn, có phách; là hiện thân của cuộc sống lao động, là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điển hình như các tích cóc kiện trời, Lê Lợi mượn kiếm của rùa vàng để đánh quân Minh hay phản ánh tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình…
Nghệ nhân Phạm Đình Viêm, năm nay 65 tuổi đang làm việc cho nhà hát múa rối nước đảo ngọc Phú Quốc cho biết: “Rối nước không phải là môn nghệ thuật cao siêu, mà đơn sơ bình dị, mang một bản sắc riêng mà nội dung chỉ phản ánh cuộc sống đời thường của con người với mong muốn sống hoà bình và yêu đời, yêu đất nước”.
Một điểm nổi bật trong nghệ thuật múa rối nước chính là điều khiển con rối dưới nước phải luôn uyển chuyển, với nhiều hình dạng, hành động hết sức khác nhau trên sân khấu nước. Do vậy, đòi hỏi nhóm điều khiển phải dầm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ và có sự phối hợp ăn ý trong từng động tác, theo từng cung nhạc. Bên cạnh đó là các tình huống tạo ra kịch tính trong các đoạn diễn cũng hết sức công phu. Tuy vất vả là vậy song các diễn viên vẫn một lòng gắn bó với môn nghệ thuật này.
Hiện nay, mỗi ngày, Nhà hát múa Rối nước đảo Ngọc biểu diễn 2 suất, mỗi suất 1 tiếng đồng hồ vào lúc 16 giờ và 20 giờ. Nhà hát Rối nước đảo Ngọc không chỉ phục vụ du khách trong nước ra Phú Quốc tham quan du lịch mà còn thu hút nhiều khách nước ngoài đến thưởng thức.
Ông Semant, người Anh đưa con đến xem biểu diễn múa rối nước nhận xét về loại hình nghệ thuật có một không hai trên thế giới này: “Tôi vô cùng thích thú, ấn tượng với các tình huống diễn ra. Rẩt sinh động và hấp dẫn. Tôi rất thích âm nhạc và các động tác của các con rỗi luôn có hồn. Đây là lần thứ 2 tôi xem, lần trước tôi xem ở Hà Nội. Tôi sẽ quảng bá môn nghệ thuật này đến bạn bè ở Anh của tôi khi ra Phú Quốc”.
Điều đáng mừng là hiện nay múa rối nước không chỉ có người già mà nhiều thanh niên đã theo học để gìn giữ vốn văn hóa độc đáo của ông cha. Ở Nhà hát Múa rối nước đảo Ngọc, chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ ở Đông Các vào làm nghề với mong muốn thể hiện sức sáng tạo và lòng đam mê với môn nghệ thuật truyền thống.
“Tôi học múa rối nước từ năm 10 tuổi, được các cụ truyền lại và chỉ dạy. Cái khó nhất trong nghệ thuật biểu diễn này là mình phải nhập hồn vào các con rối. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là các buổi biểu diễn có nhiều người đến xem”, Hoàng Văn Tú một diễn viên của nhà hát múa rối đảo ngọc tâm sự.
Hoạt động múa rối nước mang ra đảo ngọc Phú Quốc không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân xứ đảo, cho du khách trong và ngoài nước khi đến đây mà nó còn thể hiện một sức sống mãnh liệt của nghệ thuật truyền thống luôn có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống đương đại hôm nay, ngay ở các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; qua đó như một sự khẳng định về chủ quyền biển đảo của đất nước./.