Nghị định 62 về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/08 tới đã nhận được nhiều ý kiến của giới chuyên môn. Mặc dù ra đời sau 12 năm chuẩn bị nhưng nhiều nội dung của Nghị định vẫn được cho là chưa sát thực tiễn, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012, cùng với hơn 10 nghệ nhân ca trù khác, ca nương Lê Thị Bạch Vân được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, ghi nhận những đóng góp bền bỉ suốt hơn 30 năm của bà trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật hát Ca trù. Với Nghệ nhân dân gian Lê Thị Bạch Vân, đây là một niềm vinh dự rất lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

bach_van_quhp.jpg 

Ca nương Lê Thị Bạch Vân (trái)

“Tôi thấy mọi sự phong tặng, công nhận đều có tác dụng rất tốt nếu như làm đúng, có những tiêu chuẩn rõ ràng. Riêng với ca trù, người ta không thể vượt qua thời gian, trừ những người tài năng xuất chúng. Mà tài năng xuất chúng với Ca trù thì khó lắm, phải có đủ thời gian để học”, nghệ nhân Lê Thị Bạch Vân chia sẻ.

Trong tương lai, khi Nghị định 62 của Chính phủ đi vào thực tiễn, rất có thể Nghệ nhân dân gian Lê Thị Bạch Vân sẽ được công nhận Nghệ nhân ưu tú hoặc Nghệ nhân nhân dân. Lúc đó, bà sẽ có 3 danh hiệu cùng lúc: Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân dân gian và Nghệ nhân nhân dân hoặc Nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, mọi danh hiệu đối với bà chỉ là hình thức. Người ta nhớ đến Bạch Vân là nhớ đến một ca nương cả đời cống hiến cho nghệ thuật hát Ca trù mà không màng tính toán thiệt hơn. 

Với các nghệ nhân dân gian, việc đến với hoạt động nghệ thuật nhiều khi tự nhiên như cơm ăn nước uống hằng ngày. Với họ, làm nghệ thuật là không kể thời gian, tuổi tác. Vì thế, nhiều người cho rằng, Nghị định quy định thời gian hoạt động nghề tối thiểu 15 năm cho nghệ nhân ưu tú và 20 năm cho nghệ nhân nhân dân là không phù hợp, mà điều quan trọng nhất là tài năng của họ.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Tôi lấy ví dụ trong 1 đội cồng chiêng Tây Nguyên, một người đủ tiêu chuẩn hoạt động 15-20 năm được phong nghệ nhân ưu tú, còn những người còn lại không phải là nghệ nhân? Trong khi đó, họ tuy tham gia chưa đủ thời gian nhưng họ là những người tài năng, thậm chí họ có thể giỏi hơn những người tham gia lâu năm thì sao?...Và sau khi phong tặng xong thì trong đội cồng chiêng đó thì một ông nghệ nhân ưu tú và một ông nghệ nhân nhân dân thì giỏi hơn người chưa được phong? Chưa chắc.

Hơn nữa, nếu cứ quy định cứng nhắc hai bậc: Nghệ nhân nhân dân được xét tặng sau khi xét tặng Nghệ nhân ưu tú thì với những nghệ nhân cao tuổi, liệu họ còn sống để đợi đến lượt mình được phong. Ai cũng biết, phong tặng danh hiệu là thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh tài năng của các nghệ nhân. Vì vậy, quy định nghệ nhân phải “viết đơn xin xét danh hiệu” cũng là việc không nên. Ngành văn hóa, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp nơi nghệ nhân sinh sống phải đứng ra đề xuất, vinh danh cho họ”. 

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian - đơn vị đã tiên phong trong việc vinh danh các nghệ nhân dân gian cho biết kinh nghiệm: Ở mỗi tỉnh, Hội Văn nghệ Dân gian đều có chi hội nên hội viên ở nơi đó biết rất rõ ai là người xứng đáng. Hội phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương tổ chức họp dân nơi nghệ nhân sinh sống để lấy ý kiến. Nếu được nhân dân đồng ý, Hội sẽ tìm xem trong cộng đồng hoặc nhờ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm hồ sơ theo mẫu in sẵn. Nếu không có ai, Hội Văn nghệ Dân gian sẽ đứng ra làm thay cho nghệ nhân.

“Nghệ nhân là hiền tài của quốc gia. Bởi vì vào thời đại các cụ thì họ là trí thức của thời đại. Thế mà chúng ta thường nói: hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Chúng ta phải tôn vinh như chúng tôi làm là làm hồ sơ cho các cụ. Còn bây giờ bắt các cụ phải làm hồ sơ thì đó là ngược”, Giáo sư Tô Ngọc Thanh nói.

Mặt khác, trong khi nghị định còn nói rất chung chung về chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân thì trên thực tế, đây là vấn đề rất quan trọng với họ. Bởi hầu hết các nghệ nhân trong diện được phong tặng đã tuổi cao sức yếu, lại không làm việc ở cơ quan nhà nước nào. Vì thế, các nghệ nhân còn cần được hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình hoạt động bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể cho thế hệ sau.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền băn khoăn: Những giá trị văn hóa đó thường không phổ biến, chỉ thu hẹp trong một không gian, môi trường nhất định và có nguy cơ mai một rất lớn trong xã hội đương đại ngày nay. Chính vì thế, ở các nước phát triển, người ta có chính sách bảo vệ cho những người thầy và cả những người theo học. Nói như vậy có nghĩa là: những nghệ nhân già và cả những nghệ nhân trẻ có thể yên tâm để sống và giữ gìn di sản đó cho dân tộc.

Phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, điều quan trọng nhất vẫn là sự ghi nhận của cộng đồng, đồng thời cần phải có sự tham gia đánh giá của các chuyên gia ở từng lĩnh vực cụ thể. Đối với các nghệ nhân, điều hạnh phúc lớn nhất là được hoạt động, mang kiến thức, kinh nghiệm của mình phục vụ cộng đồng. Vì thế,  không thể vinh danh theo kiểu phong trào, làm cho có rồi để đó, mà cùng với việc phong tặng danh hiệu, nhà nước cần quan tâm hỗ trợ xứng đáng để các nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân có cơ hội hoạt động, góp phần gìn giữ, truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cho dân tộc./.