Theo thông tin từ giáo phường ca trù Thăng Long, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã qua đời vào lúc 5h20 ngày 7/4 (tức mùng 8 tháng Ba năm Giáp Ngọ) tại nhà riêng ở thôn Ngãi Cầu, làng An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) sau một thời gian chống chọi với căn bệnh suy thận cấp độ 2.Sau lễ phát tang vào chiều 7/4, lễ viếng nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc sẽ diễn ra từ 8h ngày 8/4 đến 12h ngày 9/4. Lễ truy điệu lúc 12h30 ngày 9/4/2014, an táng cùng ngày tại nghĩa trang thôn Ngãi Cầu.
ntc2.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống Ca trù ở Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ngay từ khi bé, bà đã được bố mẹ chỉ bảo từng câu hát, nhịp phách. Lên 12 tuổi, bà đã bắt đầu đi hát ở quán Ca trù của gia đình. Dù còn rất trẻ, nhưng giọng hát trong và đẹp của bà đã làm say đắm biết bao người hâm mộ bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Trải qua rất nhiều lận đận với Ca trù, dần dần, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã tìm lại được chỗ đứng trong Ca trù. Nhờ giọng hát trời phú, tiếng tăm của bà đã được biết đến khắp nơi. Từ đó, bà được mời đi biểu diễn ở khắp các sân khấu Ca trù cũng như các lễ hội lớn ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Năm 2002, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được mời tham gia giảng dạy lớp Ca trù ở Nhạc viện Hà Nội. Bên cạnh đó, bà còn là giám khảo của những cuộc thi Ca trù lớn nhỏ khắp cả nước. Với tài năng và sự đóng góp của mình cho nghệ thuật Ca trù, ngày 28/12/2005, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho bà Nguyễn Thị Chúc./.