Trong cuộc họp giao ban đầu xuân năm 1967, nhà báo Trần Lâm - Tổng Biên tập của Đài Tiếng nói Việt nam (VOV) lúc bây giờ đã nhắc chúng tôi cần nhanh chóng đưa thêm hát Xẩm trong chương trình Dân ca và Chèo. Chỉ sau 3 ngày một đoàn gồm có Phạm Tuân (Trưởng ban Văn nghệ), Hoàng Điền (chồng nghệ sỹ Như Hoa), Hồ Tăng Ấn (Hoàng Tấn) và tôi cùng anh Nhi (lái xe) xuôi Ninh Bình.

Được sự hướng dẫn tận tình của anh Hoài Long  (biên tập văn nghệ) ở Đài Phát thanh Hà Nam Ninh, chúng tôi có mặt ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Vì đã hẹn trước nên khi đến nơi chúng tôi thu thanh ngay. Bà Cầu hơi hồi hộp, nhưng khi “nhấp” một ngụm rượu rồi hắng giọng cầm cây nhị là như “súng nổ liên thanh” – lời ông Phạm Tuân.

ha%20thi%20cau%203.jpg
Nghệ nhân Hà Thị Cầu trên giường bệnh những ngày cuối năm Nhâm Thìn 2012 (ảnh: Nghĩa Lương)

Bà hát cho chúng tôi nghe nhiều bài xẩm. Khi thì kéo nhị, lúc thì tay phải gõ trống, tay trái gõ nhịp sênh. Giọng hát khỏe, vang quyện với tiếng nhị réo rắt đầy quyến rũ. Chúng tôi thấy bà trình diễn như  một sự lao động cật lực của người nông dân trên đồng ruộng. Vai vắt chiếc khăn để quệt mồ hôi trán, hoặc lau miệng khi nhai trầu.

Ông Phạm Tuân sợ bà mệt nên nhắc chúng tôi chỉ thu thanh 5 điệu hát: Huê tình, Hà liễu, Ba bậc, Thập ân, Hành vân. Ông Hồ Tăng Ấn cứ muốn thu nhiều bài hơn để về ông còn chép lời ra để cho lớp trẻ hát, mặc dù trong tay ông đã có nhiều bài hát xẩm mà ông sưu tầm được ở Hà Nội. Chúng tôi thích nhất là bài “Xẩm thập ân” kể về công lao của cha mẹ mà bà vừa thu xong. Lời văn hay quá, cứ thích nghe đi nghe lại:

“Mẹ mới có thai kể từ một ân thì con ơi mẹ mới có thai

 Âm dương nhị khí để nào ai biết gì

Trong lòng thì con ơi mẹ chịu những sầu bi

Mẹ thì cay đắng, vất vả, mẹ thì héo hon

Bữa cơm ăn mẹ chẳng biết  ngon

Con ơi lòng mẹ chua xót về con đêm ngày”…

Trong bữa ăn trưa do chúng tôi “chiêu đãi” sau khi gửi bà một chút tiền tạm gọi là “nhuận mồm” - như lời bà nói vui. Đây cũng là một dịp nghe bà kể chuyện đời, chuyện nghề.

Bà Cầu lấy chồng năm 16 tuổi. Bà bảo: “Khi ấy tôi xinh đẹp chả kém ai. Ông Mậu nhà tôi hồi đó làm trùm 6 gánh hát ở Ninh Bình. Tôi đi hát xẩm thì gặp ông rồi theo ông, bằng lòng làm vợ thứ 18 trong cuộc đời ông, thôi thì… “Thà rằng lấy chú xẩm xoan/ Công nợ không có, hát tràn cung mây". Lúc đó ông ấy đã 49 tuổi rồi, là người to cao vạm vỡ, mặt có nhiều vết rỗ vì bệnh đậu mùa. Tôi theo chồng đi hát rong khắp nơi. Tôi có với ông ấy 7 đứa con. Dọc đường lang thang mất 4 đứa cũng vì bệnh đậu mùa. Tôi thấu hiểu nỗi đau của người mẹ sinh con, nuôi con và mất con. Những nỗi đau ấy cũng tạo thêm cho tôi một nghị lực, dồn sức vào nghề hát nên ngày càng nhuyễn hơn, đằm hơn. 38 tuổi trở thành góa phụ, bởi ông Mậu nhà tôi mất năm ông 71 tuổi. Ông còn để lại cho mẹ con tôi một cây nhị do ông đặt làm, những mong để con cái sau này kế nghiệp. Tôi yêu quý cây nhị này, nó bầu bạn với tôi suốt đời...Cây nhị trở thành vật dụng duy nhất để mẹ con tôi kiếm kế sinh nhai. Mấy mẹ con tôi lại tiếp tục hành nghề. Tiếng là dân Ý Yên, Nam Định, nhưng cuối cùng trụ lại trên mảnh đất Yên Mô Ninh Bình này.”

Trong bữa ăn ấy, chúng tôi mở máy để cùng nghe lại. Bà Cầu rất vui khi biết rằng lần đầu tiên được nghe giọng hát của mình trên Đài TNVN. Tổng Biên tập Trần Lâm còn vui hơn khi chúng tôi về kể chuyện lại chuyến đi thu thanh ấy. Ông còn nhắc chúng tôi tiếp tục thu thêm những bài xẩm khác, kể cả hát Chầu văn và Ca trù. Một Tổng Biên tập rất mê dân ca và nhạc cổ truyền.

Sau ngày thống nhất đất nước, chúng tôi lại gặp bà ở Hà Bắc trong hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc do Bộ Văn hóa tổ chức. Chúng tôi ngạc nhiên khi xuất hiện trên sân khấu trong bài hát xẩm do bà tự sáng tác và trình bày : “Con ơi theo Đảng trọn đời”. Vẫn nhai trầu bỏm nẻm,vẫn chiếc khăn vắt vai, miệng hát tay kéo nhị thể hiện một bài hát rất chính trị và cũng rất nhân văn làm lay động lòng người.

“…Ngày mai dưới ánh quang vinh

Con về với mẹ thắm tình nước non

Vững tin theo Đảng nghe con

Đạp bằng sóng gió sắt son lời nguyền”

Bài hát này vừa chiếm được cảm tình của người xem, vừa giúp bà đạt giải xuất sắc nhất. Sau đó, thính giả của Đài TNVN đã gửi thư về đề nghị được nghe lại nhiều lần.

Năm 1998, trong liên hoan hát dân ca toàn quốc trên sóng phát thanh do Đài TNVN tổ chức, bà được giải A với tấm bằng khen của Đài tặng. Trong dịp này chúng tôi tiếp tục thu thanh thêm một số bài hát xẩm khác của bà như: Hát xuôi hát ngược, Dâu lười, Rể lười, Ngược đời, Sáng cả đêm rằm…

Nghe bài "Rể lười" của nghệ nhân Hà Thị Cầu
Lần giỗ ông tổ nghề hát xẩm Trần Quốc Đĩnh do Trung tâm phát triển âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), hình ảnh một bà Hà Thị Năm (tức bà Cầu) không thể ôm hết mấy chục bó hoa của khán giả sau khi xem bà biểu diễn. Hình ảnh ấy còn lưu dấu trong lòng chúng tôi.

Đã gần 50 năm kể từ ngày gặp và thu thanh giọng hát của bà để đưa lên làn sóng Đài TNVN. Hôm nay, nghe tin bà đã rời trần gian về với đất trời, với ông tổ của nghề hát xẩm, tôi ghi lại vài dòng này nhớ đến bà – một nghệ nhân dân gian, một nghệ sĩ ưu tú – người đầu tiên hát xẩm trong chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” trên làn sóng phát thanh quốc gia. Giọng hát và tiếng nhị của bà còn âm vang trong tâm khảm hàng triệu người nghe…/.