Làm phim theo phát động
Ngày 15/3/2013, Điện ảnh Việt Nam vừa kỷ niệm 60 năm ra đời và phát triển. Trong một quãng thời gian dài như vậy số lượng các bộ phim làm về đề tài lịch sử quá nhỏ nhoi.
Dòng phim lịch sử bắt đầu vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước với một số tác phẩm như: “Đêm hội Long Trì”, “ Kiếp phù du” (đạo diễn Hải Ninh), “Thủ lĩnh áo nâu” (đạo diễn Trần Phương). Sau đó có: “Tráng sĩ bồ đề”, “Tây Sơn hiệp khách” (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), “Hà Nội mùa đông 46” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân).
Gần đây, trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, có 3 bộ phim về Hồ Chủ Tịch được ra đời là: “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Nhìn ra biển cả”.
"Đêm hội Long Trì" là bộ phim lịch sử khởi đầu cho dòng phim này vào thập niên 80 của thế kỷ trước |
Sau đó là dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, việc làm phim lịch sử được phát động rầm rộ nhất từ trước tới nay. Kết quả là sự ra đời của các bộ phim: “Khát vọng Thăng Long”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Huyền sử thiên đô”, “Long thành cầm giả ca”. Song đa phần các phim không được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và gây nhiều tranh cãi về tính xác thực của các chi tiết trong phim.
Ngoài những dịp lễ lạt, được phát động như vậy, đề tài lịch sử bị các hãng phim hoàn toàn thờ ơ. Phim lịch sử bị khoác danh “phim cúng cụ”, người xem cũng không mấy đoái hoài vì số lượng phim đã ít, chất lượng lại chưa cao. Ví dụ, phim “Khát vọng Thăng Long” khi công chiếu năm 2010 đã phải đối đầu với hai phim (tình cờ là phim dã sử, cổ trang) là “Địch Nhân Kiệt”, “Kiếm vũ”. Và kết quả là sau hai tuần công chiếu, các rạp đã phải rút “Khát vọng Thăng Long” khỏi danh sách chiếu vì quá ít người xem.
Hiện phim lịch sử chủ yếu trông chờ vào nguồn đầu tư của nhà nước mà sự đầu tư này không được thường xuyên mà thành từng đợt, lâu lâu mới có một lần. Làm phim chỉ theo sự phát động chứ không xuất phát từ khát khao sáng tạo được ấp ủ, nung nấu thì thật khó có được phim hay, xứng tầm lịch sử. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, việc làm phim lịch sử theo thời vụ khiến cho dòng phim này rất manh mún, mang tính chất “ăn đong” không có tính nối tiếp, nhất quán trong việc chỉ đạo lâu dài, liên tục về đề tài này.
Bà Ngát có hai kiến nghị, một là cần tiến hành triển khai thường xuyên, liên tục, có cơ chế chính sách ưu đãi và không chỉ đầu tư cho mỗi việc sáng tác trên giấy mà cần đầu tư cho sản xuất, hai là tạo cơ chế thích hợp cho việc xã hội hóa để các tác phẩm trên giấy có thể chuyển thành tác phẩm điện ảnh.
Phim "Khát vọng Thăng Long" được kỳ vọng và đầu tư lớn nhưng không kéo được nhiều khán giả tới rạp |
Mớ bòng bong những khó khăn
Phim đề tài lịch sử không được các nhà sản xuất mặn mà do nền điện ảnh của chúng ta đang thiếu và yếu quá nhiều thứ, tạo thành một ma trận khó khăn mà chính những người trong cuộc cũng bối rối không biết cần giải quyết từ đâu để có được những tác phẩm để đời.
Trong hội thảo khoa học “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử” tổ chức tháng 12/2012, đạo diễn, NSND Hải Ninh chia sẻ, do kinh phí eo hẹp và “lượng sức mình không kham nổi” với loại đề tài chiến trận đòi hỏi quy mô sản xuất lớn nên đã “liệu cơm gắp mắm” tìm đến đề tài “thâm cung bí sử” trong hậu cung nhà Trịnh.
Khó khăn về kinh phí là rào cản chung dễ thấy nhất đối với việc sản xuất phim lịch sử. NSƯT Chánh Tín, Giám đốc hãng phim tư nhân Chánh Phương kêu rằng hãng phim tư nhân dù muốn làm phim lịch sử cũng khó mà làm được nếu không được hỗ trợ để giảm bớt chi phí. Ông lấy ví dụ bây giờ làm phim về thời chiến tranh gần đây thôi, các đạo cụ như xe tăng, súng ống chúng ta vẫn còn, có thể đi thuê nhưng hãng phim khó lòng kham nổi giá thuê. Nếu được Nhà nước hỗ trợ phần nào những khoản đó thì may ra những hãng phim tư nhân như hãng phim của ông mới dám sản xuất phim lịch sử.
Phim "Tây Sơn hào kiệt" bị chê bởi quá nhiều sạn. Ảnh: Hoàng đế Quang Trung và công chúa Ngọc Hân tình tứ bên nhau, xa xa là cột điện cao thế đứng sừng sững |
Tuy nhiên, tiền không phải là thiếu thốn duy nhất. Bằng chứng là đợt làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kinh phí bỏ ra cho các bộ phim không nhỏ. Phim “Khát vọng Thăng Long” còn được mang sang… Trung Quốc làm. Song chúng ta vẫn chưa có phim hay như ý muốn. Nguyên nhân lớn nhất là do sự thiếu hụt về yếu tố con người. Cố đạo diễn, NSND Hải Ninh, cây đại thụ trong nền điện ảnh Việt Nam còn tự nhận thấy sức mình không khám nổi loại đề tài chiến trận quy mô sản xuất lớn thì thật khó tìm được người đủ sức đủ tài “đương đầu” với đề tài lịch sử.
Để có đội ngũ những người làm thể loại phim này tốt cần có một quá trình, từ đào tạo tới được thực hành thường xuyên, tạo ra những kinh nghiệm và cách làm phim lịch sử của riêng ta. Điều này cần tới chiến lược phát triển cho ngành điện ảnh và sự đầu tư rất lớn về nhân lực, vật lực, không thể làm được trong một sớm một chiều.
Ngoài việc thiếu tiền, thiếu nhân tài, làm phim lịch sử còn gặp nhiều khó khăn vì tư liệu lịch sử chính thống ít, những chi tiết về trang phục, đồ dùng, bối cảnh… khó xác định chính xác. Chúng ta cũng chưa có quy định rạch ròi về việc được hư cấu bao nhiêu cho phim lịch sử. Xây dựng phim trường, sản xuất đạo cụ cho phim lịch sử chưa thực sự chuyên nghiệp và đáp ứng được nhu cầu nếu có hãng làm phim lịch sử…
Hiện nay, các phim làm về đề tài đương đại, nghĩa là không gặp vô số khó khăn đặc thù của phim lịch sử, mà còn không có mấy phim được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và thỏa mãn người xem. Nên đường đến với những phim lịch sử xứng tầm có lẽ còn xa, rất xa./.