Nhưng đâu là nước mắt thật? Đâu là nước mắt vì sự lừa dối? Hay nước mắt chỉ là... màn kịch được “phô” ra để thu hút quảng cáo? Từ các chương trình mới đến những chương trình quen thuộc đang ra sức lấy nước mắt khán giả bằng những câu chuyện đi qua giới hạn chương trình. Khán giả vô tình thành người bị lừa và đôi khi trở thành “công cụ” khi mới đây, nhiều bài báo viết về những khán giả được “thuê” để khóc, để tung hô trong một số chương trình.

Đổi hoàn cảnh thí sinh, mua nước mắt khán giả
Những hoàn cảnh éo le có tài năng lên sân khấu luôn lấy lòng được khán giả, nhưng khi những hình ảnh thí sinh có hoàn cảnh éo le bị lạm dụng đưa lên sóng, thậm chí tạo dựng nên một hình ảnh không có thực để lấy nước mắt khán giả là một điều đáng bàn."Giọng hát Việt nhí" mùa thứ 2 lên sóng khiến nhiều khán giả thích thú, thế nhưng lại bị giật mình, vì nhà đài đang cố sức “lấy nước mắt”: Đó là cậu bé Minh Trường chăn dê hát mọi lúc mọi nơi, hát khi cho dê ăn, hát khi làm ruộng... So với những thí sinh khác, Minh Trường được “ưu ái” hơn khi lên sóng tận 14 phút. Những chuyện hoàn cảnh gia đình em nhanh chóng được đưa lên sóng để “mua nước mắt” khán giả truyền hình.
hat_qeov_wfxc.jpg
Ngọc Anh - cô bé khiếm thị của "Giọng hát Việt nhí 2014" đang lấy nhiều nước mắt khán giả.
Rồi câu chuyện của bé Ngọc Anh bị khiếm thị tiếp tục được lựa chọn thay vì bé Minh Tài hay Bích Hằng, cũng khiến khán giả bất ngờ. Bé Ngọc Anh đã lấy được nước mắt của nhiều khán giả từ vòng Giấu mặt, nên ít nhiều Ngọc Anh đang là cái tên “tạo nhiệt” cho chương trình, nhưng nếu cứ tiếp tục khai thác hoàn cảnh để lấy nước mắt khán giả thì liệu chương trình còn ý nghĩa nhân văn?Tới vòng thi Đối đầu hôm 9/8 của "Giọng hát Việt nhí 2014" cũng vậy. Các thí sinh đã một lần nữa khóc òa trên sân khấu khi chia tay nhau, để rồi chính khán giả cũng... rưng rưng.Lần đầu tổ chức, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” đã tạo được những ấn tượng tích cực cho khán giả khi có nhiều tài năng được phát hiện. Tuy nhiên, tập cuối cùng của vòng Tuyển chọn lại tiếp tục “kịch bản” của nhiều chương trình hiện nay: Lê Quốc Huy là vũ công nhí nhảy khá điêu luyện và xuất sắc trong tập thi này. Thế nhưng, chương trình tiếp tục đi vào việc khai thác quá sâu, chi tiết về nỗi đau của Huy khiến không ít người cảm thấy vừa thương cậu bé, vừa trách chương trình.Trong khi đó, ở những chương trình dành cho người lớn như: The Voice, Project runway, Vietnam Idol, The X Factor VietNam... thì kịch bản là những “anh chàng phụ hồ đi thi hát, anh chàng mù màu tham gia thiết kế thời trang, cô gái có hoàn cảnh trắc trở...” liên tục lên sóng. Đáng trách hơn, khi họ đi quá giới hạn “tự tạo hoàn cảnh” để lấy nước mắt khán giả như The X Factor Vietnam từng làm.Thí sinh khóc, khán giả khóc và nhà sản xuất… cườiMỗi gameshow đều bị áp lực về rating (chỉ số người xem). Rating quyết định sự sống còn của chương trình, bởi nó liên quan đến... báo giá quảng cáo. Nên nhớ, "Giọng hát Việt nhí" đã lập kỷ lục về giá quảng cáo ở mức 300 triệu đồng/spot 30 giây. Mùa thứ hai dù sức hấp dẫn có bớt, nhưng giá quảng cáo cũng ngất ngưởng 250 triệu đồng/spot 30 giây. Hiện kỷ lục đang là "Gương mặt thân quen" với giá 370 triệu đồng/30 giây, trước đó 1 spot 30 giây trận chung kết World Cup được chào giá 350 triệu đồng.Để có chỉ số rating cao, nghĩa là phải hút khán giả bằng mọi cách. Trong đó việc “câu khán giả bằng nước mắt” được cho là khá hiệu quả.Văn hóa người Việt vốn là văn hóa cộng đồng, văn hóa của truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Thế nên, chuyện khán giả khóc khi xem truyền hình thấy một nhân vật đáng thương là điều đáng mừng. Song có vẻ như tình thương, sự đồng cảm bị lợi dụng để bán quảng cáo.Quay lại với những thí sinh khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế thì cũng cần “tỉnh táo” để tránh trở thành những con rối từ ban tổ chức. Nếu những thí sinh nhỏ tuổi thì hơn ai hết, gia đình cần có sự hướng dẫn cho con mình. Đừng để các em và hoàn cảnh của gia đình mình thành vật đổi nước mắt của khán giả.Nước mắt khán giả đang là một yếu tố “làm ra tiền” trong kịch bản của nhiều chương trình truyền hình đang ồ ạt phát sóng hiện nay. Hơn bao giờ hết, khán giả cần có “đề kháng” cho chính mình, cần tỉnh táo hơn để nước mắt rơi đúng chỗ./.