Síu Phạm là một người đàn bà đã ở tuổi 64, vóc dáng nhỏ bé, và cũng là một cái tên còn khá lạ lẫm trong giới điện ảnh Việt Nam, nhưng thành quả mà bà đã làm được thì có giá trị không hề nhỏ. Cũng bởi bà không hề thích đi theo xu hướng của những thể loại phim truyền hình hay phim truyện mang tính chất thương mại thông thường đã quá quen với đa phần khán giả. Đến với điện ảnh, bà lựa chọn cho mình một con đường riêng, con đường khá “gập ghềnh” so với thị trường điện ảnh nước nhà, nhưng lại đúng với những đam mê của chính bản thân.

Trải nghiệm và nguồn vốn cho tâm hồn nghệ thuật

Mặc dù vốn là một họa sỹ, nhưng Síu Phạm bộc bạch mình là một người rất mê xem phim, ngay từ nhỏ đã thích xem nhiều phim kinh điển và phim hay của nhiều nước trên thế giới. Bản thân lại vốn là một người bay bổng, yêu thích thơ ca, tâm hồn lãng mạn.

siupham_lookatvietnam.jpg
Nghệ sỹ Síu Phạm (ảnh: lookatvietnam)

Bà đã cùng với gia đình sang Thụy Sỹ  và sinh sống tại đó từ hơn 30 năm trước. Trước khi tới Thụy Sỹ, bà từng theo chân hai đạo diễn là Võ Doãn Châu và Lê Hoàng Hoa để cùng làm phim cho Tổng cục Phát triển Du lịch Sài Gòn. Đặc biệt, bà có thực hiện làm ba phim du lịch về Sài Gòn và đã cộng tác với Doãn Châu trong quá trình làm phim “Lệ đá” thời đó.  Vì thế, khoảng thời gian ấy đã giúp bà thu thập được nhiều kinh nghiệm về điện ảnh cũng như một quá trình trải nghiệm để gom góp cho bản thân những vốn sống, tạo nên những yếu tố về bối cảnh xã hội, ảnh hưởng đến phim sau này của bà.

Sau đó, khi sang bên Thụy Sỹ, Síu Phạm theo học về Lý thuyết Phân tích phim ở Đại học Genève. Và cũng từng có thời gian theo học cả về Lịch sử Nghệ thuật. Bà còn tham gia viết báo, viết kịch bản ở trường điện ảnh Focal & Fonction Cinéma Suisse.

Không những thế, bà còn từng tốt nghiệp ngành diễn viên sân khấu và có 4 năm học về nghệ thuật múa Butoh, hay còn gọi là hắc vũ, một thể loại múa truyền thống của Nhật Bản nhưng có ảnh hưởng tới cả nghệ thuật múa đương đại Châu Âu và ảnh hưởng tới phong cách trình diễn của nghệ thuật đương đại (performance art).

Tất cả những trải nghiệm nghệ thuật  và cơ hội quý báu này đã giúp bà có được một mỹ cảm sâu sắc và tạo nên yếu tố đặc trưng về tính thi ca, tính nghệ thuật đa dạng trong tác phẩm điện ảnh của bà.

Kết hôn với người chồng gốc Thụy Sỹ, ông Jean-Luc Mello, là giáo sư tại Genève, đồng thời cũng là người thực hiện nhiều video art về nghệ thuật trình diễn, Síu Phạm có lẽ càng có thêm cơ hội để tiếp cận với nghệ thuật đương đại, và bổ sung cho “nguồn vốn” dường như đã trở thành “cội rễ” và dòng chảy trong tâm hồn mình. Bà đã cùng với chồng thực hiện ba bộ phim tài liệu quay tại Thụy Sỹ, Việt Nam và Ấn Độ.

Ngoài ra, Síu Phạm từng vinh dự được nhận giải thưởng kịch bản phim truyện xuất sắc nhất cho câu truyện đời thực về chính người cha của mình tại Liên hoan Phim Quốc tế Lorcano vào năm 2002.

 Nốt trầm lặng lẽ trong thị trường điện ảnh Việt

Trở về Việt Nam nghỉ hè cùng với chồng trong năm 2004, Síu Phạm đã có cơ hội khi được một người bạn mời tới trường quay phim “Áo lụa Hà Đông”, khi đó đoàn làm phim đang thực hiện những cảnh quay tại Hội An. Đó cũng là lần đầu bà tới Hội An khi về nước. Và cơ duyên tưởng chừng như đã “mỉm cười” khi bà tham gia làm tư vấn và thiết kế phục trang cho diễn viên, rồi tham gia vào một vai phụ nhỏ trong phim. Quãng thời gian ấy đã giúp Síu Phạm có một “khám phá” mới cho riêng mình, khi bà tìm ra được bối cảnh tạo cảm hứng cho bộ phim “Đó và đây” do chính tay bà thực hiện vào năm 2009 tại quê nhà mình.

Một cảnh trong phim"Đó và đây"

“Đó hay đây” là một phim ngắn được kết hợp bởi nhiều thể loại khác nhau, một sự kết hợp nhuần nhuyễn và đầy mê hoặc giữa phim truyện, phim tài liệu với video art, cộng thêm tính siêu thực trong tác phẩm. Nhân vật chính của phim do chính người chồng của Síu Phạm vào vai. Nhưng giao thoa văn hóa không phải là mục đích mà bà muốn gửi gắm trong bộ phim, mà bộ phim là một tác phẩm đưa người xem vào thế giới tưởng tượng, nơi con người chìm đắm trong những suy nghĩ về sự tự do, về những ràng buộc của cuộc sống, và còn cả sợi dây vô hình trong những mối quan hệ giữa người với người... Bối cảnh tưởng chừng chỉ là một phông nền rất “thường” ở một làng quê miền Trung, nhưng trên cái nền đơn giản đơn tuyến ấy, ý nghĩa lại được ẩn chứa qua nhiều lớp, khiến tâm trí người xem cần phải “bóc tách” để thấu sâu được.

Bộ phim được giới chuyên môn của điện ảnh nước ngoài đánh giá rất cao bởi những yếu tố nghệ thuật đặc biệt và tính sáng tạo. Phim đã từng được tham dự và công chiếu tại Liên hoan Phim Busan 16 cho thể loại “Những xu hướng mới”. Khi về đến Việt Nam tại Liên hoan phim “Cánh diều vàng” của năm 2011, bộ phim cũng được các nhà phê bình trong nước “gật gù” ngợi khen vì ý tưởng độc đáo, và bộ phim đã một lần nữa được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế cuối năm 2012 vừa qua tại Hà Nội.

Tuy nhiên, so với thị trường điện ảnh Việt thường rầm rộ bởi những phim mang tính thương mại cao hơn, thì dù có giá trị nghệ thuật đặc sắc và được đánh giá cao, tác phẩm điện ảnh của Síu Phạm cũng chỉ như món ăn mới quá lạ miệng kén khẩu vị người thưởng thức. Hơn nữa, đối với thể loại phim nghệ thuật, khán giả Việt Nam vẫn chưa đón nhận thực sự nồng nhiệt và chưa đủ “kiên nhẫn” để “bóc tách” từng tầng lớp ý nghĩa mà nhà làm phim muốn gửi gắm đến thông qua tác phẩm của mình.

Mặc dù vậy, điều ấy cũng không hề khiến Síu Phạm nản lòng. “Căn phòng người mẹ” là phim ngắn tiếp theo ra đời, với bối cảnh thành phố Sài Gòn tấp nập, nhộn nhịp, và con người luôn ở trong vòng xoáy chao đảo của cuộc sống thường nhật. Vẫn trung thành với sự lựa chọn bối cảnh thực trong tác phẩm, Síu Phạm muốn tiếp tục nhấn mạnh vào tâm lý con người giữa bộn bề và thể hiện khoảng cách cũng như sự gắn kết giữa các mối quan hệ của con người. Nhưng khác với tác phẩm trước thể hiện cái nhìn từ góc độ một người nước ngoài với xã hội Việt Nam, “Căn phòng của người mẹ” lại thể hiện cái nhìn của một thế hệ trẻ, mà cụ thể là nhân vật cậu bé ở độ tuổi thiếu niên xoay quanh câu chuyện về quan hệ với gia đình, và qua đấy với cả một xã hội đầy biến động từng ngày.

Nghệ sỹ Síu Phạm nhấn mạnh rằng làm phim cũng là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, đấy là cách để thể hiện cái đẹp của đời sống một cách “bình dân”, không có những thứ quá cao sang, phù phiếm, nhưng nó đòi hỏi một cái nhìn sâu sắc, toàn vẹn.

Và dù cảm hứng xuất phát từ những câu chuyện thực tế, từ những con người thực tế, thì nghệ thuật lại là phương tiện dẫn dắt người xem đến với cái đẹp ngay trong những thứ tưởng “bèo bọt” đến không nghĩa lý. Bà cho rằng, đôi khi có lẽ không cần phải hiểu hết tất cả mọi điều trong một tác phẩm, nhưng tác phẩm ra đời đã là sự cống hiến tận tâm của người làm nghệ thuật, chỉ cần người xem có thể thưởng lãm suy tưởng để nhận ra nét đẹp, để cảm thấy trân trọng thôi đã là điều đáng quý nhất rồi./.