Chiều tối ngày 20/3, tại Trung tâm tiếp nhận và nghiên cứu lưu trữ quốc gia Pháp CARAN (Paris, Pháp) đã khai mạc Triển lãm ảnh mang tên “Pháp-Việt Nam: 4 thập kỷ quan hệ - Vai trò của các nhiếp ảnh gia tiên phong ở Việt Nam”. Triển lãm ảnh là một phần trong một loạt các sự kiện được Viện Khoa học Hải ngoại Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Năm giao lưu chéo Pháp-Việt 2013-2014.

Triển lãm gồm các bức ảnh do các nhiếp ảnh gia người Pháp như Émile Gsell, Gustave Ernest, Trumelet-Faber, Charles-Édouard Hocquard, Aurélien Pestel… thực hiện trong thời gian từ cuối thế kỷ thứ 19 tới đầu thế kỷ 20. Đây là các bức ảnh đã được chỉnh sửa và phóng theo kích cỡ lớn, phần lớn trong số đó chưa từng được đem ra trưng bày và triển lãm.

img_00291%20copy.jpg
Triển lãm ảnh “Pháp-Việt Nam: 4 thập kỷ quan hệ - Vai trò của các nhiếp ảnh gia tiên phong ở Việt Nam”

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Pierre Gény - Thư ký thường trực của Viện Khoa học Hải ngoại Pháp khẳng định, triển lãm ảnh này là một sự kiện quan trọng mà Viện Khoa học Hải ngoại Pháp muốn đóng góp vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm Năm Việt Nam tại Pháp. Đồng thời, những bức ảnh được chọn trưng bày trong triển lãm như là những nhân chứng lịch sử, đưa cho người xem sự nhìn nhận, nghiên cứu và đánh giá lại những thông tin đã có trước đây.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc triển lãm ảnh này và khẳng định sự kiện này sẽ làm phong phú thêm cho các hoạt động của Năm Việt Nam tại Pháp 2014. Tiếp theo các cuộc triển lãm tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu năm nay, triển lãm này sẽ đem lại cho công chúng yêu mến Việt Nam một cái nhìn sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Những bức ảnh được chọn trưng bày trong triển lãm như là những nhân chứng lịch sử, đưa cho người xem sự nhìn nhận, nghiên cứu và đánh giá lại những thông tin đã có trước đây

“Cùng với nhiều cuộc triển lãm về Việt Nam được tổ chức trong suốt năm 2014, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và những trao đổi, giao lưu văn hóa như thế này sẽ góp phần cho việc xây dựng ký ức chung về một thời kỳ lịch sử đầy những thăng trầm mà hai dân tộc chúng ta đã biết vượt qua để xây dựng những mối liên hệ phong phú và gắn bó. Chính những trao đổi, giao lưu văn hóa này đã góp phần quan trọng đưa hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược mà trong tương lai, chúng ta cần tiếp tục phát huy” - Đại sứ Dương Chí Dũng nói.

Các bức ảnh đen trắng mộc mạc phản ánh chân thực các khía cạnh của đời sống con người Việt Nam thời kỳ cận đại. Khách tham quan triển lãm như được sống lại không gian văn hóa của một thời kỳ lịch sử của dân tộc. Qua các bức ảnh, hình ảnh về con người Việt Nam được khắc họa rõ nét và đầy cuốn hút qua các trang phục của nhiều dân tộc, từ các bộ áo dài, khăn xếp truyền thống, trang phục của các dân tộc vùng cao, đến các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và phong cảnh một số di tích như hồ Gươm, chùa Một Cột, đền Voi Phục, Ngọ Môn, thành Hà Nội… theo hiện trạng thời bấy giờ.

Đến xem triển lãm ngay trong ngày khai mạc, Céline Marangé – một bạn trẻ yêu thích văn hóa Việt Nam, bày tỏ niềm vui sướng khi tới thăm quan triển lãm và chiêm ngưỡng các bức ảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Céline Marangé cho biết: “Tôi thực sự xúc động khi ngắm nhìn các bức ảnh trong triển lãm. Dù xưa cũ, nhưng đây là những bức ảnh giá trị của nhiếp ảnh Pháp cuối thế kỷ 19 về các nước khác. Khi ngắm nhìn những khuôn mặt trên các bức ảnh, chúng ta có thể tưởng tượng ra mối quan hệ của họ, quan điểm của họ về thế giới, cảm xúc của họ… Và tôi luôn ấn tượng với những bức ảnh xưa cũ này. Với tôi, dường như các bức ảnh đã vượt ra khỏi những biên giới thông thường về mặt thời gian và địa lý”.

Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 20/5/2014.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của mình, Viện Khoa học Hải ngoại Pháp đã tổ chức trình chiếu 40 tấm ảnh cỡ lớn tại Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) tại Tp. Hồ Chí Minh./.