Triển lãm được thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển và Văn hóa Prince Claus cùng Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF). Đây là sự kết hợp giữa hai nữ nghệ sỹ thị giác trẻ - Lê Giang và Lê Hoàng Bích Phượng qua các tác phẩm sắp đặt đa chất liệu.

Sinh năm 1984 tại Sài Gòn, Lê Hoàng Bích Phượng được biết tới như một trong những nghệ sỹ đương đại trẻ nhiều hứa hẹn của Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, cô được mời tham gia chương trình Nghệ sĩ lưu trú tại Sapporo (Nhật Bản) do Quỹ Văn hóa Nhật Bản tổ chức vào năm 2011. Trước đó, vào năm 2010, cô là 1 trong 8 nghệ sĩ của vòng chung kết cuộc thi tài năng do Quỹ Trao đổi & Phát triển Văn hóa Đan Mạch tổ chức. 

le%20giang%20va%20le%20hoang%20bich%20phuong.jpg
Lê Giang (trái) và Lê Hoàng Bích Phượng (ảnh: Manzi)

Còn Lê Giang sinh năm 1988 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khoa Sư Phạm Mỹ Thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cô theo học trường đại học Nghệ thuật Camberwell ở London (Anh) và trở về Việt Nam vào năm 2012. Là một nghệ sỹ trẻ năng động, tác phẩm của Lê Giang thường khá đa dạng, từ tranh, sắp đặt cho đến điêu khắc với các chất liệu khác nhau.

Cùng thực hiện triển lãm “Trên dưới trời”, Bích Phượng về Lê Giang chủ yếu đưa đến cho người xem những tác phẩmmang hình thức tối giản, chứa đựng những xung đột ngầm đầy tính ẩn dụ.

Sự tối giản nhưng giàu tính ẩn dụ là đặc trưng trong tác phẩm của hai nữ nghệ sỹ trẻ (ảnh: Thu Linh)

Theo Lê Hoàng Bích Phượng, khác với những tác phẩm tranh lụa trước đây từng làm, các tác phẩm lần này của cô là những khối sắp đặt cơ thể người trong trạng thái trung tính, mơ hồ, nhưng dữ dội. Qua đó, cô muốn thể hiện mối quan ngại về sự vô tri của con người.

Bích Phượng cho rằng: “Con người được sinh ra và lớn lên với những đặc điểm, hình dạng tư duy khác nhau. Điều đó tạo nên môt thế giới đa dạng tầng lớp, các cấp bậc khác nhau và những cá thể riêng biệt. Nhiều người từ bỏ những đặc điểm, tư duy của riêng mình chỉ để bản thân họ không bị khác biệt với đám đông và không bị cô lập. Chính vì điều đó, họ đánh mất tiếng nói, hình dáng, đặc điểm của riêng mình và trở nên vô hình trước những cá thể riêng biệt khác”. Từ đó, cô tự đặt ra câu hỏi: Vậy có khác biệt gì khi tất cả chỉ còn là sự trong suốt mờ ảo?

Một tác phẩm của Lê Hoàng Bích Phượng, biểu thị cho sự mờ ảo, vô tri của con người (ảnh: Thu Linh)

Trong khi đó, Lê Giang qua tác phẩm của mình, lại mong muốn bóc tách các tầng xung đột nội tâm cá nhân để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thế nào là một thế giới hoàn hảo. Biểu đạt bằng hình thức nghệ thuật sắp đặt với ngôn ngữ kiệm lời, hình thức cô đọng, cô muốn tạo ra một chiều không gian giả tưởng đan xen giữa không gian đời thường.

Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 15/3./.