Những lời ca hùng tráng “Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…” của bài Tiến quân ca – tác phẩm được chọn làm Quốc ca của Việt Nam đã gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
Vượt qua thời gian, vượt qua những qui định mang tính giới hạn của hoạt động sáng tác, lưu giữ và phổ biến tác phẩm nghệ thuật, Tiến quân ca đã trở thành di sản tinh thần vô giá của đất nước, của dân tộc. Việc gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng tác phẩm quí báu này cho nhân dân, cho Đảng, cho Quốc hội là làm tròn tâm nguyện của ông khi còn sống, để Tiến quân ca trường tồn cùng đất nước. Đó chính là “ Tấm lòng của một nghệ sĩ lớn đối với Tổ quốc”.
Căn gác nhỏ trên phố Yết Kiêu, thành phố Hà Nội là nơi nhạc sĩ Văn Cao đã sống những năm tháng cuối đời. Dẫu ông đã đi xa nhưng căn gác thân quen này đã trở thành nơi lưu giữ những kỷ vật về một người nhạc sĩ tài hoa, trong đó bài “Tiến quân ca” được gia đình ông trân trọng như một báu vật.
Tham gia Việt Minh ở Hà Nội, khi thời cơ khởi nghĩa đến gần, nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức giao nhiệm vụ viết một ca khúc cổ vũ tinh thần chiến đấu cho 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và phong trào Cách mạng…
Chính trong căn gác nhỏ này, một ngày đầu đông năm 1944, “Tiến quân ca” đã ra đời, được đăng trên báo Độc lập do chính tác giả tự khắc in. Nhà thơ, nhạc sĩ Nghiêm Bằng, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao kể lại: “Cuối tháng 10 năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao sau khi đi dọc các phố phường Hà Nội, tìm hiểu tình hình đất nước, vì lúc đó là hơn 2 triệu người chết đói vì Nhật bắt nhổ lúa trồng đay. Trước bối cảnh đó nhạc sĩ Văn Cao đã thốt lên “Đoàn quân Việt Minh chung lòng cứu quốc, rồi thề phanh thây uống máu quân thù…”. Sau này nhiều người phê phán là sao lại viết như thế nhạc sĩ Văn Cao có trả lời rằng: “Lúc đó tôi mới 21 tuổi thôi mà nhìn cảnh hơn 2 triệu người chết đói thì không còn cách nào khác”.
Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, trong số 3 ca khúc: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Minh” (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao và bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi; Bác Hồ đã chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca chính thức của Việt Nam.
Bác nói rằng, lời bài “Diệt phát xít” ngắn gọn, dễ hát, dễ phổ cập, tuy nhiên chế độ phát xít đã tan rã, nếu lấy bài “Diệt phát xít” làm quốc ca sẽ không hợp thời. Mặc dù thích bài “Chiến sĩ Việt Minh” nhất, nhưng Bác lại không chọn làm Quốc ca vì cho rằng lời dài, khó hát. Theo Bác, đưa “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca là phù hợp nhất, vì ca khúc thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lại gắn gọn, dễ thuộc lời, đầy đủ về ý nghĩa, giai điệu lại hùng tráng….
Ngày Tổng khởi nghĩa, 19/8/1945 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước hàng vạn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, Văn Cao đã chỉ huy đội đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca”. Bài hát như một hồi kèn xung trận, khích lệ tinh thần yêu nước, kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng mùa thu đi vào lịch sử của dân tộc.
Trong hồi ký về tác phẩm “Tiến quân ca” nhạc sĩ Văn Cao kể lại: “Có mặt trong ngày Tổng khởi nghĩa 19/8 tại Hà Nội, khi Tiến quân ca nổ ra như một trái bom, tôi lặng đi và nghĩ bài hát đã không còn thuộc về riêng cá nhân tôi, Tiến quân ca đã trở thành tiếng nói thiêng liêng của dân tộc và của Tổ quốc”. Đó là lý do để người nhạc sĩ tài hoa khi còn sống luôn xem “Tiến quân ca” là lời ca, trí tuệ của dân tộc chứ không phải của riêng ông. Suy nghĩ và tình cảm đó đã thấm vào suy nghĩ của mỗi thành viên của gia đình nhạc sĩ.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nghiêm Bằng con trai nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ: “Tiến quân ca là bài ca thiêng liêng không thể giữ riêng của gia đình chúng tôi được. Sáng tác ca khúc là một nhiệm vụ của Việt Minh trao, của Đảng trao. Cố nhạc sĩ Văn Cao cũng là một Đảng viên, nhận nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và trao trả lại cho dân tộc và Tổ quốc. Những điều đó là tâm niệm của nhạc sĩ Văn Cao. Gia đình chúng tôi tiếp tục thực hiện ý nguyện đó và hiến tặng lại cho dân tộc và cho đất nước”.
Năm tháng trôi qua, với mỗi người dân Việt Nam, mỗi khi nghe bài Tiến quân ca vang lên trong lễ chào cờ, hay trong những ngày lễ trọng, lòng lại trào dâng bao cảm xúc thiêng liêng về tinh thần yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc. Bài hát đã ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt Nam.
Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ: “Chúng ta có một bài Quốc ca khi mà hát theo cùng với mọi người thấy lòng mình phấn chấn, sục sôi, đúng tinh thần của bài hát. Âm hưởng của bài hát ấy, giai điệu sâu sắc của khúc ca ấy có ảnh hưởng tác động rất sâu đến những người lính chúng tôi. Mỗi lần hát quốc ca, trong lòng như có một cái gì đấy trào lên, tự hào, tự tôn dân tộc. Vì thế mà trước những khó khăn, trước những trận đánh lớn thì bao giờ Quốc ca cũng là một trong những bài anh em thuộc nhất và hay hát nhất. Nó ăn sâu vào con tim, khối óc những người lính và góp phần tạo nên những chiến công”.
Với mong muốn “Tiến quân ca” là bài ca của toàn dân, năm 2010, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL xin hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca” cho nhân dân, Đảng, Quốc hội và Nhà nước. Trong thư, bà Nghiêm Thúy Băng viết: “Tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội”. Nay, tâm nguyện ấy đã thành hiện thực. Văn phòng Quốc hội đã tổ chức lễ tiếp nhận Tiến quân ca một cách trang trọng, thiêng liêng, xứng đáng với giá trị của bài hát mà nhạc sĩ Văn Cao đã dành trọn tâm huyết để viết nên.
Lễ tiếp nhận ca khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức cùng với việc truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông, chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với người nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến tất cả sức lực, tâm huyết, tài năng cho Tổ quốc và nhân dân./.
Đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao