Ngày 21/2, tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên (36 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) đã dễn ra buổi giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhân buổi ra mắt tác phẩm Vong Bướm. Đây còn là dịp trưng bày hơn 70 tác phẩm của nhà văn trong đó có 20 đầu sách được xuất bản ở Pháp, cùng một số tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương cho Vong Bướm.

Chương trình được tổ chức bởi công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam thực hiện với sự góp mặt của nhà nhà văn, nhà Thơ và đông đảo những người quan tâm, yêu thích các tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp cùng tác phẩm Vong Bướm
Vong Bướm là một sự thể nghiệm mới của Nguyễn Huy Thiệp: Đây là lần đầu tiên ông viết kịch bản chèo. Sự ra mắt của Vong Bướmcũng đánh dấu sự trở lại của nhà văn với một khoảng thời gian dài im lặng sau những sóng gió mà ông đã trải qua. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm Vong Bướm gây được sự chú ý của những người quan tâm đến chèo, đến Nguyễn Huy Thiệp cũng như những con mắt tò mò trước sự thử nghiệm mới này.

Buổi giao lưu đã diễn ra vô cùng căng thẳng trước những luồng ý kiến trái chiều, khen cũng nhiều mà chê cũng lắm.

Vong Bướm là một kịch bản chèo hay?

“Tôi vô cùng bất ngờ với tác phẩm Vong Bướm của nhà văn Nguyễn Huy thiệp, bởi ở cái tuổi Lục tuần này rồi mà nhà văn còn mạo hiểm chuyển sang thú chơi chèo, mà lại còn "chơi" một cách ngon lành”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp ngỏ lời khen ngợi về sự thử nghiệm mới này của Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Đăng Điệp cho rằng tác phẩm này của Nguyễn Huy Thiệp rất thành công, Bởi nó đã được tác giả sử dụng rất khéo léo và linh hoạt giữa những vần thơ của Nguyễn Bính và thơ của Nguyễn Huy Thiệp. Ông chia sẻ, trong con người Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng chất thi sĩ, những vần thơ trong tác phẩm mới này thấm nhuần chất trữ tình. Theo ông, Nguyễn Huy Thiệp muốn đổi mới chèo bằng trò chơi sắp đặt về thời gian, không gian, thể loại Trò chơi nghệ thuật vừa ngẫu hứng vừa công phu.

Nhà văn – nhà thơ – dịch giả Nguyễn Quang Thiều lại nhấn mạnh rằng: “Đây là một sự nỗ lực rất đáng trân trọng, Nguyễn Huy Thiệp đã phục hồi và đưa chèo trở về với không gian của nó, hơn nữa ông còn gây dựng lại tinh thần vốn có của chèo”. Ông hết lòng ca ngợi kịch bản chèo Vong Bướm, ông chia sẻ rằng Nguyễn Huy Thiệp đã đẩy mình lên một bước cao trong việc khái quát cuộc sống, chân lý nghệ thuật.

TS Nguyễn Phượng cho rằng: trong tác phẩm mới này của Nguyễn Huy Thiệp giàu chất suy tưởng khi ông đã phục hưng và tiền phong chèo.  

Nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều luôn đỡ lời cho Nguyễn Huy Thiệp

Hay đơn thuần chỉ là một văn bản chèo

“Huy Thiệp là nhà văn luôn gặp phải những đợt sóng. Đợt sóng đầu tiên khi ông bước và nổi tiếng trên văn đàn; làn sóng thứ hai khi ông ra tiểu thuyết và lọn sóng thứ ba đang trào tới chính là khi ông ra Vong bướm" -  Nguyễn Quang Thiều chia sẻ. Có lẽ chính cái “dớp” ấy đã khiến cho ngọn song mới này dâng cao, lấp đi cái bóng to lớn mà Nhà văn đã gây nên để tạo nên không khí của một buổi ra mắt vô cùng căng thẳng trước những ý kiến phản đối thử nghiệm mới này của tác giả.

Không biết có phải vì đợt sóng này quá mạnh hay không mà Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra ít nói hơn, đôi khi còn né tránh những câu hỏi của mọi người khiến cho buổi ra mắt trở nên vô cùng căng thẳng.

Phần nhiều khán giả có mặt tại buổi ra mắt cho rằng tác phẩm mới này của nhà văn rất khó để chuyển thành chèo. Tiến sĩ Nghệ thuật Nguyễn Minh Thái cho rằng: “Đây đơn thuần chỉ là một văn bản chèo dùng để đọc, để chuyển nó thành chèo lại là một vấn đề khác”. Bà cho rằng ở chèo quan trọng nhất là phần động, cái mà người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Để chuyển từ văn bản đến chèo là vấn đề, đồng thời nếu chưa đọc Tích thì đừng nghĩ đến việc dựng chèo như thế nào.

anh%2044.jpg
NSƯT. Trần Việt Ngữ  chia sẻ quan điểm của mình về "Vong Bướm"

Góp thêm vào lớp sóng ấy đối với tác phẩm mới này của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là hai nghệ sĩ hát chèo nổi tiếng là NSƯT Trần Việt Ngữ và NSƯT Trần Ngọc Chung. Ông Trần Ngọc Chung cho rằng để diễn được tác phẩm này trên sân khấu là vô cùng khó khăn. Theo ông để diễn được trên sân khấu thì phải thay đổi kịch bản, tuy nhiên như thế sẽ phá vỡ tác phẩm của Nguyễn Huy thiệp. Dù mới đọc qua tác phẩm nhưng ông đã nhận thấy sai sót của tác phẩm này: “Nếu cho đây là một kịch bản chèo thì khi diễn trên sân khấu chúng tôi không biết phải làm sao với một kịch bản mà có những hơi bat rang hát văn dài như thế cũng như nhiều câu tích dài…”.

Thay cho lời kết

Để trả lời cho câu hỏi liệu Vong Bướm có thể trở thành một vở chèo được diễn trên sân khấu hay không có lẽ phải cần thêm thời gian cũng như sự đánh giá chính xác của những nhà có chuyên môn.

Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích lời của Nhà văn – nhà thơ – dịch giả Nguyễn Quang Thiều “Độc giả hãy đọc và suy ngẫm tác phẩm này, khi đọc nó, mọi người sẽ diễn chèo trong chính tâm hồn mình”./.