Người ta gọi Nguyễn Trường là một người yêu Hà Nội, với cách thể hiện đậm chất nghệ sĩ. Hà Nội qua góc nhìn của anh được gửi gắm vào những bức tranh màu nước với đầy đủ vẻ nhộn nhịp, xô bồ như vốn có của nó. Tranh của anh được mọi người thưởng lãm qua những bức vẽ lớn hay chỉ đơn giản là những nét trực họa nhanh chóng trong cuốn sổ tay. Đối với anh, Hà Nội không chỉ như một đề tài vô tận, thu hút đôi mắt của đứa con lần đầu tiên được nhìn thấy quê hương mà còn là một sự cố gắng vượt qua thử thách để diễn tả bằng ngôn ngữ hình họa, màu sắc. 

Nguyễn Trường gặp Hà Nội qua tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trong một lần đến nhà họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Trường đã có dịp cảm nhận và xúc động về những nét vẽ, những suy tư về phố cổ.
1375241_10202363844722532_5.jpg
Nhà báo, họa sĩ Nguyễn Trường luôn cầm trên tay chiếc máy quay nhỏ để ghi lại những hình ảnh về Hà Nội.

Họa sỹ Nguyễn Trường cho biết, nếu muốn tìm hiểu, muốn vẽ tranh Hà Nội thì không thể không xem tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái. Yêu tác phẩm của Bùi Xuân Phái nay lại được nghe thêm những giai thoại xung quanh những tác phẩm ấy, anh lại càng thêm yêu quý cuộc đời và nhân cách của họa sĩ. Thoạt nhìn, tranh của anh có một chút hơi hướng giống tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhưng, Hà Nội hiện lên trong tranh của Nguyễn Trường lại tập hợp nhiều hình ảnh của cuộc sống đương đại, một  Hà Nội được diễn tả hiện thực khiến cho người xem dễ nhận ra những nơi chốn quen thuộc."Với họa sĩ Bùi Xuân Phái - thời điểm ông vẽ Hà Nội là trong tâm tưởng và chắt lọc để thể hiện cá tính, suy nghĩ của ông. Còn tôi, vẽ một Hà Nội đầy đủ, rất chi tiết. Với ông Bùi Xuân Phái - dĩ nhiên tôi đã đọc và xem nhưng tôi cố gắng chọn cho mình một góc nhìn về Hà Nội như một người bên ngoài, đứng xa khao khát tìm hiểu văn hóa sâu sắc của những bậc tiền bối đi trước, trong đó có nhà văn Băng Sơn." - họa sỹ Nguyễn Trường chia sẻ.

Mới đây, trong một dịp tình cờ ghé vào trang cá nhân của Nguyễn Trường, họa sĩ Tô Chiêm - biên tập viên mỹ thuật của Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hiện ra tranh của anh. Như một duyên nợ của hai con người ở hai thế hệ, hơn 30 bức trực họa về Hà Nội của anh được sử dụng làm tranh minh họa cho cuốn sách “Băng Sơn - Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”. Cũng lạ, từng bức tranh và từng trang viết lại ăn khớp, với chiều sâu tâm hồn và nét hoài niệm về phố phường Hà Nội. Tuy nhiên, với một người đi xa, lần đầu tiên được trở về quê hương như Nguyễn Trường, con mắt của anh nhiều khi như đôi mắt con trẻ, lạ lẫm, ngạc nhiên và mong muốn thu nhận tất cả những gì mình nhìn thấy.

Phố cổ Hà Nội được họa sỹ Nguyễn Trường khắc họa qua tranh.

Họa sĩ Tô Chiêm cho biết: "Anh nhìn thấy gì thì vẽ ra như thế. Nên nhiều khi có cảm giác hơi rối, hơi tham. Điều đó cũng dễ hiểu vì một con người lần đầu tiên đến Hà Nội, một con người nhìn thấy cái gì cũng lạ và muốn thâu nhận tất cả vào bức tranh của mình. Theo tôi nghĩ tâm trạng của họa sỹ Nguyễn Trường khi vẽ là như vậy. Mới đây, họa sỹ Nguyễn Trường bảo tôi rằng anh muốn vẽ Hà Nội nhưng sẽ vẽ với độ lắng hơn, sâu hơn, kĩ càng hơn nữa. Tôi thấy anh bắt đầu có độ lắng để chuẩn bị cho ra đời những tác phẩm mới".

Là người gốc Bắc nhưng lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh, 18 tuổi ra nước ngoài,  Nguyễn Trường còn có một tên gọi khác là Etcetera Nguyễn. Anh lựa chọn nghề báo, lựa chọn con đường về Hà Nội như mong muốn giải đáp trong lòng mình nhiều câu hỏi, như một cách tìm về nguồn cội. Công việc của anh là đưa tin về các sự kiện văn hóa, xã hội, tìm hiểu nét đẹp văn hóa Hà Nội và các tỉnh lân cận để gửi tới cộng đồng Việt kiều xa Tổ quốc. Những khi rảnh rỗi, thú vui của anh là vẽ. Từ niềm đam mê hội họa, cộng với cái nhìn đầy mới mẻ, hào hứng về thủ đô nghìn năm, Nguyễn Trường đã cho ra đời hàng chục bức trực họa về Thủ đô, mang đậm nét hoài cổ nhưng cũng đầy âm thanh cuộc sống. Từ những con phố, con đường, góc nhìn của anh tỷ mỷ theo từng trụ cột điện, từng bảng hiệu, chiếc xe gắn máy hay gánh hàng rong.

Bức tranh phố Hàng Cá của họa sĩ Nguyễn Trường

Theo anh, muốn vẽ được thì phải quan sát kĩ, không thể vẽ trong tưởng tượng, hình dung hay quá hoài niệm. Với con mắt của một nhà báo, Nguyễn Trường cho rằng, Hà Nội là một mảng mà anh sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu và khai thác.

"Sự thay đổi trong tôi sẽ là một Hà Nội với nhiều sự biến động và điều đó phải ghi lại một cách khách quan, chân thành. Nó sẽ đóng góp rất nhiều - những bài viết, hình ảnh trong tương lai của tôi sẽ ở một độ sâu nhiều hơn trước đây. Lý do là tôi thấy nhiều người viết về Hà Nội nhưng vẽ về Hà Nội hình như vẫn còn đơn sơ, hoặc vẽ theo cung cách mô phỏng chứ không mô tả Hà Nội như nó đang có. Tôi cho rằng, sự ghi chép dưới con mắt một nhà báo qua bàn tay của một người họa sĩ thích vẽ như tôi thì Hà Nội có lẽ được tái hiện một cách rõ ràng, đầy đủ hơn" - họa sỹ Nguyễn Trường chia sẻ.

Hiện nay, Nguyễn Trường đang là Tổng thư ký của tờ tuần báo bang Califonia, Mỹ tên là Vietweekly. Từng ước mơ làm họa sĩ nhưng sau này anh chọn nghề báo làm hướng đi cho mình. Năm 2006, anh về Việt Nam đưa tin sự kiện APEC. Được sự công nhận và giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, năm 2012 anh quyết định trở về Hà Nội làm phóng viên thường trú của tờ Viet weekly. Cũng từ đây, anh quyết định sống và gắn bó với Hà Nội. Sau cuốn sách “Băng Sơn - Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”, họa sĩ Nguyễn Trường sẽ làm sách tranh về Trường Sa và Hoàng Sa - tập hợp nhiều bức kí họa về cuộc sống của người dân nơi đây. Dự kiến, cuốn sách của anh sẽ được ra mắt vào cuối tháng 10/2013./.