Họa sỹ Phạm Lực có cảm hứng sáng tác mãnh liệt và sức lao động bền bỉ hiếm có. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của mình ông vẽ chủ yếu để phục vụ cho công cuộc tuyên truyền trong quân đội. Tác phẩm của ông khi đó đa phần là pa nô, áp phích, tranh về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sỹ.

hoa%20sy%20pham%20luc.jpg
Họa sỹ Phạm Lực

Song cũng có những tác phẩm đặc biệt như bức tranh “Thiếu nữ khỏa thân 2” ra đời năm 1970. Đây là đề tài bị cấm kỵ vào giai đoạn đó song ông vẫn lén sáng tác, không có toan, ông vẽ trên bao bố - chất liệu sáng tác độc đáo, sản phẩm của hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”. Không có người mẫu, ông tự tưởng tượng ra. Vậy mà, như ông tâm sự, bức tranh ấy rất được các chiến sỹ yêu thích. Trong những lúc rỗi rãi, họ giở tranh ra xem, rồi lại cất kín đi, không cho ai biết. Nhờ vậy, bức tranh vẫn còn nguyên vẹn tới bây giờ.

  “Thiếu nữ khỏa thân 2”, bao bố, 1970

Dường như lúc nào cảm hứng sáng tác cũng dâng tràn trong họa sỹ Phạm Lực. Ông lao động miệt mài, bền bỉ, theo sự miêu tả của chính ông là “vẽ tranh như tập thể dục”, ngày nào ông cũng có thể ngồi bên giá vẽ, say mê sáng tác. Ông nói rằng những ngày tháng quân ngũ giúp ông thành thạo việc sáng tác trên nhiều chất liệu do công việc khi đó yêu cầu như vậy. Ông không đóng đinh những tác phẩm của mình trong một trường phái, loại đề tài hay chất liệu nào. Ông sáng tác bằng cả bột màu, sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ. Ông vẽ từ cuộc sống lao động tới sinh hoạt đời thường của người nông dân, công nhân, phong cảnh quê hương, chân dung phụ nữ, tranh khỏa thân… Ngay trong một triển lãm gồm 70 bức tranh này - một phần rất nhỏ trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ vẫn đang tiếp diễn của ông, cũng có thể thấy được sự đa dạng, phong phú đó.

  “Lựa chọn khó khăn”, sơn dầu, 1984

Tranh của họa sỹ Phạm Lực được nhiều nhà sưu tầm yêu thích. Riêng số tranh được sưu tầm trong và ngoài nước hiện đã lên tới con số khoảng 6000 bức. Họa sỹ Phạm Lực cho biết thường xuyên có 6,7 nhà sưu tầm liên hệ với ông để làm đầy thêm bộ sưu tập của mình. Triển lãm “Nối hai thế kỷ” trưng bày 70 bức tranh nằm trong bộ sưu tập của TS. Nguyễn Sĩ Dũng. Được triển lãm tranh của mình đang nằm trong bộ sưu tập của người khác là niềm hạnh phúc không phải họa sỹ nào cũng có được.

Triển lãm “Nối hai thế kỷ” diễn ra từ 19-29/3/2013 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội./.