Họa sĩ Đoàn Xuân Tặng sinh năm 1977 tại Nam Định. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay được đổi tên là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2001. Năm 2009, Đoàn Xuân Tặng tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên có đề tài vùng cao mang tên "Thổ cẩm khác" tại gallery Thăng Long Dragon. Ba năm sau, Đoàn Xuân Tặng đã mang đến một cảm xúc hoàn toàn khác với triển lãm "Đất và Người".Cuộc sống của những con người vùng cao đã nhẹ nhàng đi vào trong tranh của họa sỹ Đoàn Xuân Tặng một cách giản dị và ấm áp nhất. Với những gam màu nóng cùng sức sáng tạo triệt để, vẽ tranh sơn dầu trên nền vải, tranh của họa sỹ Đoàn Xuân Tặng ẩn chứa những nỗi niềm, những nét trầm buồn trong không gian đặc trưng miền núi cũng như những suy nghĩ của người con vùng cao Tây Bắc.

tang.jpg
1 trong 19 bức tranh được trung bày tại triển lãm của họa sỹ Đoàn Xuân Tặng

Đến với triển lãm tranh “Đất và Người”, khán giả cảm thấy nao lòng khi nhìn lại những bản làng liêu xiêu nương tựa vào nhau như đang ra sức chống chọi với sự tĩnh lặng, hoang sơ của núi rừng hay khắc khoải của con người trước khoảng không vô định, dài hun hút.

Họa sỹ Đoàn Xuân Tặng chia sẻ rằng: “Triển lãm đã tái hiện lại cuộc sống của những con người vùng cao, đó là những vệt chảy trong tâm hồn, cảnh vật, con người như tan chảy vào trong không gian. Những bức tranh vương vấn nét trầm buồn đã khắc ghi lại hai mặt của đời sống bên trong tâm hồn con người, đặc biệt là người dân miền núi. Dưới góc nhìn của tôi, người dân miền núi đã và đang mất dần đi những nét đẹp vốn có của bản sắc bởi sự hòa nhập giữa văn hóa các vùng miền”.

Nói về những nét vẽ đặc biệt của Đoàn Xuân Tặng, họa sỹ Phạm Bình Chương bày tỏ quan điểm của mình: “Bộ tranh này thực sự đã khẳng định cái nội lực của Đoàn Xuân Tặng. Anh vẽ như một nhu cầu, bất chấp mọi hoàn cảnh và theo đuổi một đề tài đến cùng. Anh không phải là họa sĩ xu thế, anh là họa sĩ chuyên nghiệp. Đề tài dân tộc thiểu số của anh rất khác biệt. Nó đang được đào dần đến lớp “ruột”, tức là cái bên trong, đằng sau cái “vỏ” màu mè kia. Cứ đào tiếp, càng đào càng thấy ít đi, ít đi cái “vật” mà thấy dần cái “ tâm”. Cái váy thổ cẩm còn đếm được bao nhiêu màu song cái tâm thì có mấy màu? Trong cái thời thế đầy cám dỗ với hình và sắc, anh vẽ để mưu cầu điều gì? Theo cảm nhận của tôi, anh đang mưu cầu điều giản dị. Cuộc sống càng giản dị, chúng ta càng hạnh phúc và điều đó thật đáng quý biết bao”./.