Như mọi năm, Hội Lim (thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 11-12/2 (tức ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch), nhưng ngày 12/2 mới được coi là ngày chính hội.
Tuy nhiên, lễ rước ở Hội Lim năm nay lại được tổ chức sớm vào buổi chiều ngày 11/2 để tránh tình trạng ùn tắc tại lễ hội. Trong tiết giá rét, đông đảo người dân địa phương cùng các du khách thập phương vẫn nô nức về trảy hội.
“Năm nay, lực lượng an ninh được huy động và tăng cường một cách triệt để nhằm đảm bảo an toàn, trật tự cho lễ hội”- ông Lê Xuân Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Du, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Lim 2014 cho biết: “Chúng tôi cũng nghiêm cấm các trò chơi cờ bạc ăn tiền, trò chơi điện tử, xiếc, quảng cáo và các dàn loa có công suất lớn gây ảnh hưởng không gian lễ hội”
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên VOV online, dễ nhận thấy, dọc hai bên đường dẫn vào lễ hội, các hàng quán kinh doanh vẫn xuất hiện la liệt dù BTC đã treo biển cấm hoạt động buôn bán trên vỉa hè.
Các trò chơi bạo lực như bắn súng, phi tiêu kiểu Úc liên tục diễn ra để chào mời khách tham dự. Những món đồ chơi Trung Quốc cũng ngang nhiên được bày bán. Ngoài ra, các hàng ăn cũng trở nên tấp nập nhưng vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm lại là điều còn bỏ ngỏ.
Trò chơi bạo lực xuất hiện ở "bên lề" lễ hội. |
Ông Mạnh Hùng, 60 tuổi, một du khách đến từ Nam Định chia sẻ: “Tôi tham dự lễ hội thường xuyên, nhưng vấn đề về môi trường tại lễ hội thì tôi thấy năm nào cũng vậy, chưa có cải thiện gì. Không khí đông đúc, âm thanh ồn ào, lại thêm môi trường bụi bặm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe chúng tôi, đặc biệt là người già và trẻ em. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần được giải quyết nhằm đảm bảo cho du khách được tham gia lễ hội với điều kiện tốt nhất”.
Ngoài ra, tình trạng các liền anh, liền chị “xin tiền” khi hát quan họ trên thuyền vẫn diễn ra. Dù ông Lê Xuân Lợi, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội cho rằng: “Việc các liền anh, liền chị ngả nón, xin tiền như mọi năm tuyệt nhiên không có. Đó là việc làm miễn cưỡng khi người dân và các du khách… tự nguyện đưa tiền cho họ”.
Một liền chị "ngả... khay nhận tiền" từ du khách. |
Các hoạt động mời trầu diễn ra ngay trên sân khấu khi các liền anh liền chị biểu diễn giao lưu. Còn trên thuyền, liền anh, anh liền chị vừa hát vừa “mời” trầu du khách trên bờ và “miễn cưỡng” nhận tiền trầu của du khách. Có nơi “bán” trầu với giá cụ thể là 10.000 đồng/miếng. Có nơi thì khéo léo hơn cho biết là tùy tâm của khách.
Mặt trái của hoạt động hát quan họ này đến nay vẫn chưa được xử lý và chưa có quy định xử phạt một cách cụ thể./.