vp%201.jpg
Quang cảnh buổi lễ trao bằng kỉ lục.
Tối 13.3, tại khu vực trước đình làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đã diễn ra lễ đón nhận Quyết định công nhận kỉ lục Việt Nam “Làng nghề dệt Lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỉ lục Việt Nam trao tặng theo giấy xác lập kỉ lục số 1485/KLVN/2014 chính thức từ ngày 14.2.2014.
Lụa Vạn Phúc với trên 1000 năm tuổi nghề từng được coi là vật phẩm tiến vua và từng được chọn tham gia hội chợ đấu xảo quốc tế Mác – Xây năm 1931, tại Pa-ri năm 1932 và được người Pháp đánh giá là Đệ nhất tinh xảo của vùng Đông Dương.

Bằng kỉ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất Việt Nam” Vạn Phúc.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cơ chế thị trường, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc cũng bước sang bối cảnh mới với đầy thử thách nhưng cũng hứa hẹn. Hiện tại, sản phẩm lụa được bày bán tập trung tại trên 150 quầy hàng dịch vụ ở phố Lụa (phường Vạn Phúc).
Hàng trăm người dân đội mưa đón đợi trao bằng kỉ lục cho làng lụa. 
Năm 2011 - 2013, lụa Vạn Phúc được tặng “Thương hiệu vàng Thăng Long”. Trong nghị quyết của HĐND thành phố vừa qua, làng nghề lụa Vạn Phúc cũng được chọn là 1 trong 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cần được bảo tồn./.
Làng Vạn Phúc, xưa còn có tên gọi là Trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Nam Sơn.
Sang đến triều Nguyễn, do triều đình phân lại ranh giới hành chính nên Trang Vạn Bảo lệ thuộc vào Tổng Thiên Mỗ, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tấy. Cuối thế kỉ 19, do kiêng húy tên vua Thành Thái (1889 - 1906) là Bảo Lân nên mới đổi tên gọi thành Vạn Phúc.
Theo thần phả làng Vạn Phúc còn lưu giữ tại viện Hán Nôm có ghi: Đức Thành hoàng làng là Bà Ả Lã Đê Nương (niên hiệu sắc phong Nga Hoàng Đệ Nhị Vương Phi), vào giữa thế kỉ thứ 9 (khoảng năm 845) bà cùng chồng là Tiết lộ sứ Cao Biền đi du ngoạn. 
Khi đi qua đất Vạn Bảo, thấy đất nơi đây sông núi uốn khúc, khu ngôi chùa bên ngoài khu dân cư, hai bên hai giếng ngọc nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh, nhân dân ở đây thuần hậu, bà bèn nói với Biền công xin ở lại đây. 
Từ đó, bà ở lại đây, dạy dân chúng cấy cày, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Sau khi bà mất, dân làng đã tôn bà là Thành Hoàng làng.