Ý kiến của các đại biểu nêu lên nhiều vấn đề đặt ra cho việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ ở Hà Nội mà điển hình là làng cổ Đường Lâm. Trong đó, có những vấn đề như chính sách giãn dân, công tác cấp phép xây dựng, chính sách hưởng lợi cho người dân… Không chỉ làng cổ Đường Lâm, một số làng cổ ở ven đô như làng Mơ, làng Đông Ngạc cũng đang chịu ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa dẫn đến sự thay đổi về cảnh quan, văn hóa trong làng xã cũng như cuộc sống của người dân.

jcj1358474050.jpg
Làng cổ Đường Lâm. (ảnh: T.P)

Các giải pháp chính được đưa ra tại hội thảo như hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ theo luật Di sản văn hóa và luật Thủ đô. Ngoài ra, cần nâng cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ, công tác quản lý, tuyên truyền, thay đổi cách ứng xử của người dân với di tích.

Một số ý kiến nêu lên tại hội thảo cho rằng chỉ nên tập trung một đến hai di tích đặc biệt tránh bảo tồn tràn lan. Bởi việc bảo tồn hiện nay đang mải chạy theo phong trào mà quên giữ lại những nét tinh hoa của dân tộc.

Giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho biết: “Hà Nội có rất nhiều làng cổ và hồn của dân tộc nằm ở đó. Nhưng việc công nhận là di tích, di sản cần cẩn thận. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang có quá nhiều di tích nên không bảo vệ được tinh hoa. Lúc này chúng ta cần rà soát lại danh sách di tích, giảm bớt phong trào chạy đua.”/.