Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chủ trì kỳ họp.

Báo cáo hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp cho thấy, từ sau kỳ họp thứ nhất đến nay, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng LLPBVHNT Trung ương) đã phối hợp với một số hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành để tư vấn cho Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương hướng xử lý một số nội dung, vụ việc nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật, góp phần giải tỏa các bức xúc trong dư luận xã hội.

nguyen_the_ky_gvcj.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ảnh:TTXVN

Đối với những vấn đề nổi bật trong đời sống văn học, nghệ thuật, Bộ phận Thường trực Đề án đã kịp thời theo dõi, tổng hợp thông tin để báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng thời chủ động triển khai một số biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng cần phải đặt văn học nghệ thuật của Việt Nam trong bối cảnh của khu vực và thế giới để thấy được xu hướng vận động của thế giới; những xu hướng nào là tốt thì có tiếp thu, trao đổi, xu hướng nào không phù hợp với văn hóa Việt Nam thì có cách đánh giá, nhìn nhận khách quan.

Đối với hoạt động văn học nghệ thuật, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, vai trò của Hội đồng là phải nắm bắt thực tiễn chính xác, trong công tác lý luận phê bình phát huy sự dân chủ, đồng thuận, có đối thoại trao đổi...

Kế hoạch từ nay đến cuối năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng tiếp tục bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tư vấn cho Đảng, Nhà nước; tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc, dự kiến vào tháng 10/2017; tổ chức một số cuộc tọa đàm về những nội dung đang được quan tâm trong đời sống văn học, nghệ thuật, các lớp tập huấn về công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; xét tặng thưởng, hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; chủ động tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học nghệ thuật...

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy chế tặng thưởng, hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; triển khai nhiệm vụ của các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng từ nay đến cuối năm 2017...

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2 của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, thành viên Hội đồng đặt vấn đề về việc đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống đến rộng rãi hơn với công chúng.

Nhà hát Lớn hiện có chủ trương là nơi tổ chức các vở diễn nghệ thuật truyền thống nhưng thực tế chưa bán được nhiều vé. Tiền thù lao của các nghệ sĩ tham gia vẫn phải do các đơn vị nhà hát chi trả chứ chưa thể thu được từ tiền bán vé.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho hay: “Tôi mới dự lễ bế mạc của Cuộc thi Tài năng múa biểu diễn mới đây thì thấy ngành múa của chúng ta rất đẳng cấp nhưng nghệ sĩ vẫn chưa thực sự sống khỏe với nghề. Các liveshow về múa còn rất ít và nếu có thì việc bán vé rất khó. Đây là bài toán đòi hỏi chúng ta cần suy ngẫm và nghiên cứu để tìm lối ra cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có múa”.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu vấn đề về việc cấp phép các ca khúc trước 1975. Theo bà Lan, Hội đồng Lý luận và Phê bình VHNT cần có những góp ý, định hướng đối với cơ quan chức năng liên quan và dư luận để vấn đề cấp phép ca khúc không gây nên những tranh cãi hay hiểu nhầm đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Về phim, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay, cái khó của việc cấp phép và duyệt phim hiện nay nằm ở vấn đề về số lượng phim tư nhân quá nhiều. “Tư nhân sản xuất phim nên Cục rất khó để định hướng”, bà Lan nói.

Tại kỳ họp thứ 2, lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT cũng đưa ra kế hoạch về việc phối hợp, thúc đẩy các đơn vị liên quan, đảm bảo tiến độ sửa chữa, tiếp nhận và đưa vào sử dụng trụ sở mới của Hội đồng tại số 17 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. /.