Chiều 25/7, họa sĩ Thành Chương đã chính thức gửi đơn tố cáo và kiến nghị tới 9 cơ quan chức năng xoay quanh vấn đề bức tranh Trừu tượng bị mạo danh. Để rộng đường dư luận, họa sĩ Thành Chương đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

1_mult.jpg
Họa sĩ Thành Chương.

Được biết chiều qua họa sĩ đã gửi đơn tố cáo và kiến nghị cho A87 Cục An ninh văn hóa (Hà Nội), Cục Bản quyền tác giả (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), Bộ Thông tin Truyền thông (Hà Nội), Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, Công an TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật TP.HCM. Vậy xin họa sĩ cho biết nội dung lá đơn cùng những kiến nghị đó?

- Trước hết tôi xin nói về lý do khiến tôi quyết định làm đơn tố cáo này để bạn đọc nói chung cũng như giới hội họa nói riêng hiểu rõ: Như các bạn biết, ngày 19.7 vừa qua sau khi Hội đồng thẩm định và ra kết luận, đề nghị tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh giả và mạo danh để phục vụ công tác điều tra, thì ngày 21.7 báo chí đưa tin toàn bộ số tranh giả đã được đàng hoàng đưa về với chủ, kể cả bức tranh giả danh họa sĩ Tạ Tỵ mà tôi là bằng chứng.

Dư luận cảm thấy rất khó hiểu và bất bình. Về mặt thủ tục, tôi cần phải gửi một lá đơn nữa tố cáo về hành vi có dấu hiệu phạm tội làm hàng giả, và xâm phạm bản quyền tác giả để thúc đẩy các cơ quan chức năng làm việc. Nếu việc phát hiện ra bức tranh của tôi giả danh họa sĩ Tạ Tỵ là một sự việc đơn lẻ thì có lẽ tôi chỉ cần công bố như đã làm là đủ.

Nhưng nó nằm trong bối cảnh cả một khối lượng lớn những bức tranh danh giá, trưng bày công khai trong bảo tàng quốc gia, với chứng thực là hàng thật, nguyên gốc, của chuyên gia nước ngoài, nay có thêm danh đã triển lãm ở bảo tàng quốc gia. Những bức tranh được làm giả xấu đến trắng trợn, nhạo báng toàn thể giới mỹ thuật Việt Nam, gây nguy hiểm với thẩm mỹ và giáo dục thẩm mỹ của chính người xem trong nước. Họ nghĩ tranh “xấu” như thế mà là kiệt tác đấy. Và hàng giả thì không thể để lưu hành thị trường được. Đó là điều tối thiểu.

Vậy nên sau khi xem xét và cân nhắc, tôi quyết định gửi lá đơn này để thể hiện tinh thần trách nhiệm và lương tâm của mình trước vụ việc. Không thể thờ ơ, im lặng được.

Nội dung lá đơn trình bày ngắn gọn lại sự việc diễn ra kể từ khi tôi phát hiện ra bức tranh Trừu tượng mang tên cố họa sĩ Tạ Tỵ trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa qua, cho đến cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng mỹ thuật đánh giá lại toàn bộ triển lãm, đến kết luận của toàn thể hội đồng. Và đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra.

Theo họa sĩ, sự việc này nên gọi là gì và nên xử lý ra sao?

- Khi hội đồng đã thẩm định 100% tranh của các danh họa trong triển lãm là tranh giả, và giả danh, và số tài sản này có giá trị mua bán lớn, từ nước ngoài chuyển về, với chứng thực hàng nguyên bản của chuyên gia nước ngoài thì đây hoàn toàn là một vụ việc lớn.

Nếu thoát, thì rõ ràng những bức tranh này đã được “rửa”. Tranh giả cũng như hàng giả, tôi nghĩ các cơ quan chức năng không khó gì để xử lý theo đúng pháp luật khi muốn xử lý.

Có phải họa sĩ định đòi lại quyền nhân thân cho bức Trừu tượng theo điều 19 luật Sở hữu trí tuệ?

- Trên thực tế, bức tranh có tên Trừu tượng đề tên cố họa sĩ Tạ Tỵ. Cụ thể là Tạ Tỵ 52. Về phía gia đình của họa sĩ Tạ Tỵ cũng đã khẳng định: đây không phải là tranh do ông vẽ và chữ ký Tạ Tỵ cũng là giả mạo. Họ cũng muốn làm rõ sự việc này, là xóa tên của ông khỏi bức tranh.

Vậy gia đình họa sĩ Tạ Tỵ nên khởi kiện thì đúng đắn hơn tôi. Tôi là bằng chứng, nhân chứng cho gia đình ông. Ở vị trí của tôi, thủ tục cần và đủ là phải có đơn tố cáo sự việc để các cơ quan chức năng làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, điều tra làm rõ.

Qua sự việc trên, họa sĩ muốn nhắn gửi gì cho giới họa sĩ và sưu tập tranh Việt?

- Như tôi đã nói ở trên, việc lấy lại tên tuổi của tôi cho bức tranh này thực là việc nhỏ, nhưng mang một ý nghĩa lớn. Ở hoàn cảnh tôi vô tình trở thành một bằng chứng, nhân chứng của một vụ giả mạo lớn tầm cỡ quốc tế, gây tác động nghiêm trọng tới bộ mặt mỹ thuật Việt Nam đang nỗ lực khẳng định tên tuổi và vị thế của mình vươn ra thế giới, thì việc tôi lên tiếng cần được giới hội họa hiểu đúng và tôn trọng, đồng thời ủng hộ một cách nghiêm túc.

Trong việc này, một mình tôi thì không đủ sức. Tiếng nói đồng thuận và hành động thiết thực của giới mỹ thuật mới là sức mạnh... Nếu ai cũng chọn im lặng, kêu ca than phiền mà coi việc này không phải là của mình thì nền mỹ thuật của chúng ta không chỉ “chết” mà xã hội còn thêm khủng hoảng.

Cám ơn họa sĩ!

***
Theo luật sư Nguyễn Hữu Đức (chi nhánh Luật Sài Gòn 5), đồng thời cũng là con rể họa sĩ Tạ Tỵ: Bức Trừu tượng bị mạo danh đối với gia đình tôi là sự xâm phạm quyền tác giả, và đối với họa sĩ Thành Chương là xâm phạm quyền nhân thân theo điều 7 và điều 19 luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 7: Yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, luật Sở hữu trí tuệ:
Khoản 1c: Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh, hoặc chiếm đoạt quyền tác giả.
Điều 19: Quyền nhân thân, luật Sở hữu trí tuệ:
Khoản 2: Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
Khoản 4: Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả./.