Anh tin rằng giữa mình và hoa đào có một cái duyên và mình sinh ra là để vẽ đào Tây Hồ. Trong những ngày sắc đào tràn ngập phố, Họa sĩ Còm chia sẻ với Báo TNVN về tình yêu, sự trăn trở của anh với làng đào...
PV:Anh đã đưa cả sự gắn bó, tình yêu với cây đào vào tranh của mình, cơ duyên gì khiến anh lại say mê vẽ hoa đào?
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa: Quan điểm của tôi khi sáng tác nghệ thuật là thích làm những gì người khác chưa làm, tìm ra cái ngách chưa có ai làm cả, hoặc họ đã làm nhưng chưa “tới”. Với hoa đào, một loài hoa mang lại sức xuân trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc nhưng lại có rất ít họa sĩ vẽ, họ thường vẽ theo cảm hứng trong ngày xuân nên cũng chỉ được một vài bức, chứ không liền mạch. Vì thế, hình tượng hoa đào xưa nay trong làng họa mới chỉ xuất hiện rất ít, không để lại dấu ấn gì nhiều.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa (1973) bút danh là Họa sĩ Còm nổi tiếng với các bức hí họa. Năm 2011, anh thực hiện triển lãm Xuân nồng - giới thiệu các bức tranh sơn dầu vẽ hoa. Hiện tại anh là họa sĩ tại Công ty văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. |
PV: Với hoa sen đã có hàng trăm tác phẩm đẹp, nhưng với hoa đào dường như chưa có. Tại sao vậy?
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa: Bản thân tôi cũng đã mất 5 năm tìm tòi thể nghiệm mới thực sự bắt hồn của hoa đào và đến giờ vẫn chưa cảm thấy mình đã diễn tả hết vẻ đẹp của loài hoa này. Sở dĩ loài hoa này, ít họa sĩ vẽ bởi cấu trúc của nó rất phức tạp, như cách sắp xếp cành tay, mắt đào to nhỏ, nụ trắng, nụ hồng. Hoa Đào cũng có cấu trúc con người, phải hiểu rõ hiểu cấu trúc của nó thì vẽ mới sinh động, mới ra sắc thái.
Cái khó đầu tiên là màu sắc, mặc dù đã thử rất nhiều hãng sơn dầu nhưng vẫn không ra được sắc tươi thắm đặc trưng của hoa đào. Tổng thể các bức tranh phải tạo sự khác biệt, mặc dù vẽ nhiều nhưng không được lặp lại, về bút pháp, bố cục... Có những bức vẽ được vài ba năm rồi mình lại mang ra sửa lại cho hoàn thiện hơn. May mắn nhất là thấy mình vẫn còn tiến bộ qua mỗi tác phẩm, vẫn tìm được cái hay hơn, đó là sự thành công riêng bản thân.
Đối với tôi, thách thức lớn là phải vẽ sao để chinh phục cho người xem tranh và ngay nông dân trồng đào thấy đây chính là cây đào của họ. Rất vui là, sau khi xem những bức tranh hoa đào nhiều người thân, bạn bè và người dân ở làng thực sự thích thú vì cảm thấy chưa có bức tranh hoa đào nào gần gũi với họ đến thế. Trước nay chỉ có tranh hoa đào Trung Quốc được bán trên các phố tranh chép, xa lạ, không có nét gì giống hoa đào Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa: Rồi làng hoa đào cũng giống làng hoa Ngọc Hà trước vấn đề đô thị hóa. Mình lo chỉ 5 -10 năm nữa, làng nghề trồng đào truyền thống như Nhật Tân, Phú Thượng sẽ biến mất. Điều đau xót không phải là diện tích đất trồng đào bị mất mà mất mát lớn về kinh nghiệm nghề trồng đào tích lũy qua nhiều thế hệ. Nghề trồng đào sẽ không mất vì nhu cầu xã hội vẫn còn, nhưng để có những cây đào đẹp như ở làng đào Phú Thượng, Nhật Tân thì những vùng đất khác phải tích lũy hàng chục năm kinh nghiệm.
Đối với tôi, hoa đào thực sự là tình yêu, sự đắm đuối đang dần lớn lên theo sự mai một của cây đào, khiến tôi càng muốn níu kéo, giữ lại càng nhiều càng tốt qua những nét vẽ. Tết năm nào tôi cũng lùng sục khắp làng để chụp ảnh lưu lại những gốc đào cổ đẹp.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa: Nếu như triển lãm “Đào xuân” năm 2014 có 33 bức tranh vẽ cây đào, chủ yêu vẽ bằng sơn dầu thì năm nay triển lãm “Chân dung Xuân” đầu năm 2017 có khoảng 70 bức tranh vẽ chân dung đào xuân, khổ nhỏ. Triển lãm này, tôi sử dụng nhiều chất liệu như: sơn dầu, bột màu nhưng chất liệu Arylic là ưng ý nhất bởi nó lên được sắc hồng của hoa đào và đặc biệt là không bị mốc như sơn dầu bởi thời tiết ngoài Bắc.
Ở triển lãm “Đào xuân” mình vẽ chủ yếu là cây đào, cành đào thì triển lãm “Chân dung Xuân” năm nay mình chủ yếu vẽ bông hoa đào. Một cây có hàng trăm, hàng nghìn bông hoa nhưng nếu ngắm kỹ mỗi bông hoa một vẻ, cũng như có hàng tỉ người trên trái đất, mỗi người đều có khuôn mặt khác nhau. Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân, từng bông hoa cũng như chân dung con người cũng biểu lộ trạng thái, tính cách đặc điểm giống con người.
PV: Anh dự định vẽ hoa đào đến bao giờ, để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật trở thành những giá trị văn hóa vô giá với thời gian?
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa: Tôi vẽ hoa đào được 5 năm và hiện vẫn tiếp tục nung nấu một số ý tưởng mới về đề tài hoa đào. Tôi vẽ loài hoa này đến khi nào vẫn còn cảm xúc. Mình có tình yêu với hoa đào, đó là tình yêu thật của mình chứ không phải cố gồng mình theo đuổi để chứng tỏ bản thân. Chính vì thế, mình thấy còn phải học hỏi, khắc phục mỗi ngày trong từng bức vẽ. Làm sao để những tranh hoa đào mỗi năm đều có sự khác biệt.
Niềm vui của mình là khi ra mắt những bức tranh đào thì rất nhiều bạn bè, nhiều Việt kiều nước ngoài thích vì nó gợi nhớ Tết Việt, mang lại cảm xúc xuân cho người xem. Với người Việt, nhất người Bắc thì nó chính là giá trị văn hóa truyền thống ăn sâu vào tâm trí, ngày Tết không thể thiếu cành đào. Triển lãm “Chân dung Xuân” diễn ra dịp Tết đến xuân về, nên sắc ấm của nó gợi lắm, khiến người thưởng thức cảm thấy sự ấm áp, rạo rực của ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
PV: Cảm hơn họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa./.